Tướng mệnh khảo luận - Phần 1H

HỎI ÔNG HƯ HƯ TỬ

Hư Hư Tử là một trong những bậc tôn sư về tướng học thời cổ.
Hỏi: - Trời tạo sinh con người muôn vạn hình thái khác nhau từ tướng mạo đến tính tình, cái lý của tạo hoá có thể biết được chăng?
Hư Hư Tử đáp: - Người nào do khí thanh nhẹ sinh ra thì hiền quý, người nào do khí nặng đục sinh ra thì ngu độn. Có người xuất sinh từ trời đất hoặc dưới mồ chui lên, có người thuộc cõi thần tiên, cõi tinh linh, cõi tu hành, có người đội hình súc vật bởi kiếp luân hồi. Bà Khánh Đô giao hợp với Xích Long (Rồng Đỏ) sinh ra vua Nghiêu. Ác Đăng thấy Cầu Vồng mà đẻ ra vua Thuấn. Đại Nhiệm mộng gặp Trường Nhân sinh ra Văn Vương, bà Nhan Vi cảm Hắc Đế mà hoài thai Khổng Tử.
Hỏi: - Bởi nguyên nhân nào mà người thì quý như vẩy rồng, người thì lại hèn như lông trâu, lông ngựa?
Đáp: - Đất nhiều vàng ngọc ít, cỏ bụi nhiều gỗ quý ít, hiền ngu, thọ yểu, phú quý bần tiện nào khác gì cái lý thiên nhiên.
Hỏi: - Sách Ma-Y dạy: “Hữu tâm vô tướng, tướng tuỳ tâm sinh, hữu tướng vô tâm, tướng tuỳ tâm diệt”. Đó là do hành động của thiện ác mà ra. Xem tướng thiện ác thế nào?
Đáp: - Trước xem khí sắc, sau nhìn vết và nốt ruồi. Kẻ làm thiện từ thiên đình trở xuống ấn đường, lệ đường đều có khí sắc vàng hồng sáng nhuận.
Hỏi: - Còn kẻ làm ác thì sao?
Đáp: - Trông thấy trệ khí ở thiên đình, phế khí ở lệ đường, mắt phảng phất màu trắng đục, mặt xanh như tàu lá; mắt đen như bùn, mặt vàng như nghệ, mặt đỏ gay gắt. Nặng thì vận xấu tám năm, nhẹ thì ba năm.
Hỏi: - Tướng có biến không?
Đáp: - Tướng thường biến theo Tâm. Theo lời Quỷ Cốc Tử nói: “Hữu tâm vô tướng, tướng tuỳ tâm sinh; hữu tướng vô tâm, tướng tuỳ tâm diệt; hữu tâm hữu tướng, tướng bất tuỳ sinh; vô tâm vô tướng, tướng bất tuỳ diệt”.
Hỏi: - Thế là nghĩa làm sao?
Đáp: - Giả sử như một người có tướng bần cùng, người ấy vốn thuộc ác loại, nay hãy giác ngộ những lỗi lầm ngày trước, lập tâm làm điều thiện có thể biến thành tướng no đủ. Thế là hữu tâm vô tướng tướng tuỳ tâm sinh. Giả như một người có tướng phú quý mà hoang phí tác ác, tham lam tàn nhẫn, tướng sẽ biến thành hình thái bần cùng. Thế là hữu tướng vô tâm, tướng tuỳ tâm diệt. Giả như một người khốn khổ, vất vả, tự biết oan nghiệt tỉnh ngộ không làm điều ác, nhưng vẫn còn khốn khổ là vì oan nghiệt quá nặng. Tuy nhiên ác căn sẽ biến cải dần dần. Thế là hữu tâm hữu tướng, tướng bất tuỳ sinh. Giả như một người có tướng an lạc, phúc lộc mà lòng lang dạ thú, quỷ quyệt, dối trá nhưng vẫn sống phú quý là bởi cái đức ông cha chưa tuyệt, căn cốt còn cao. Sau này nó sẽ báo ứng vào đời con, đời cháu, dần dần phúc thọ mất đi. Thế là vô tâm vô tướng tướng bất tuỳ diệt.
Hỏi: - Hình như vậy, cái biến của sắc thế nào?
Đáp: - Cốt cách răng lợi, tinh thần và tính tình dễ biến vằn vệt; nốt ruồi, da dẻ, râu tóc còn dễ biến hơn, không phải chỉ có khí sắc biến thôi đâu. Cốt cách biến thấy ngay trên đầu, trên trán, trước khuyết hãm nay đầy đặn; trước lép xẹp nay nở nang hoặc ngược lại. Sống mũi đang bằng phẳng bỗng gồ lên thành khúc. Răng đang đều đặn bỗng rụng thành sơ lậu. Hình thể trước kia ẻo lả nay cứng cáp. Cằm trước không râu nay râu mọc ra. Mắt trước sáng trong bây giờ bỗng mờ đục. Tính tình trước kỳ quặc nay khoát đạt, trước nóng nảy nay hoà thuận. Da dẻ trước nhuận mịn nay thô sáp. Tất cả đều là biến. Nếu ác mà biến thành thiện, mọi sự như ý; thiện mà biến ra ác, mọi việc toả bại.
Hãy xem những người trong vòng công danh, hễ lúc nào rồng mây gặp hội tất thần khí sáng suốt, dung mạo oai nghiêm, bao nhiêu cái khí hàn toan đi đâu mất hết. Đó chẳng phải là biến ư? Hãy xem trong đám quan trường, một sớm kia ngôi cao chức trọng thì như con hạc đứng giữa đàn gà, một chiều mất chức thì tuy cốt cách chưa thay nhưng dung mạo đã đổi. Hãy xem bao người dân dã, thương nhân. Đắc ý thì cốt khí lẫm lẫm, tinh thần bột bột, chí đắc ý mãn, xem như dưới mắt chẳng còn ai. Đến khi thất chí bại nghiệp thì cốt khí rúm ró, tinh thần tịch mịch, đang mập thì trở nên gày gò, đang trẻ bỗng già xọm, đang khoẻ khoắn bỗng yếu nhược, đang cứng rắn thành èo uột. Đó chẳng phải là biến ư?
Hỏi: - Có trường hợp tự dưng không chuyện gì mà tướng biến chăng?
Đáp: - Biến chứng có nhiều loại. Bỗng nhiên biến, sau cơn ốm đau biến, do xứng tâm khoái ý mà biến, vì thất chí thoái bại mà biến.
Hỏi: - Bậc thánh hiền ai không tận thiện, thế tại sao lại có người yểu táng, ác tật, nghèo đói, bỏ vợ? Văn Vương tâm đại thiện, suốt đời lấy việc giáo hoá Di phong làm vui, mà bị giam cầm ở Dữu Lý. Bá Di Thúc Tề liêm chính, đức hạnh mà bị chết đói. Khương Tử Nha giỏi giang thao lược mà ngồi câu mãi ở sông Vị. Cam La mười hai tuổi đã làm tướng suý rồi chết yểu. Lại có bọn trộm cướp cực ác, cực hung mà sống rất thọ. Tại sao?
Đáp: - Đó cũng là cái lý của tạo hoá, chớ quá câu nệ. Thánh hiền thì cũng không thoát khỏi cái lý Ngũ hành. Đến trời đất kia còn mờ tỏ, băng hoại tài bồi huống chi là con người. Thánh hiền là tinh hoa, nên dù chết như Bá Di Thúc Tề nhưng danh nêu quốc sử, hồn phách thăng hoa, khác với cái chết của lũ phàm tục.
Hỏi: - Tính tình con người muôn hình vạn trạng tại sao?
Đáp: - Tính tình do nguyên thần tạo ra, thanh, trọc, cao, hạ, thiện, ác ở bên trong thế nào thể hiện ra bên ngoài thế ấy.
Hỏi: - Thế nhân đa số tính tình vội vã cao ngạo. Tại sao?
Đáp: - Cao ngạo vội vã là điều đại kỵ trong tướng cách. Đem tính vội vã cao ngạo để trị quốc, trị gia, xử thế tiếp vật đều không nên. Vội vã thì hoạ càng đến nhanh. Cao ngạo tự thị bất hợp nhân tâm, giàu kiêu cái giàu, sang vênh vác cái sang, tài thích khoe tài, nghèo tự cho mình chí lớn tất cả đều vô lối và vô ích. Ông Mạnh Tử nói: “Hãy kiên trì, chí mình nhưng đừng có khí hung bạo. Nếu để bạo khí động cái hoả tam muội sẽ bốc lên đốt tạng phủ làm hại nguyên thần.”
Hỏi: Học thức đỗ đạt có thể thấy được không?
Đáp: Mi cao, nhĩ cao tủng, sống mũi phục tê chạy lên trán, tướng trạng nguyên. Mắt sáng sủa khí ôn hoà, thần thanh cao, tướng bảng nhãn. Tiến sĩ xem mi, cử nhân xem mắt câu đó sai, dù cho mi tốt nhưng mắt đục làm sao đỗ tiến sĩ? Dù mắt đẹp nhưng mi thô làm sao đỗ cử nhân? Nên sửa lại là Tiến sĩ thần đa tĩnh, đa uy - Cử nhân đa tú, thần vượng.
Hỏi: Người kia ở địa vị công khanh mà tại sao không có thấy tướng quý?
Đáp: Công khanh vị rồi, ít ngày sau tướng sẽ hiện lên. Tại vì ta chưa phát hiện được ẩn tướng vậy. Phàm người nào sinh ra đầu to, trán rộng, cốt mạnh hơn nhục, thần sáng hơn hình, thân dài, mặt dài, chân tay dài rõ là mộc hình. Mộc bình thuờng không có cái uy bong ra bên ngoài làm người sợ nhưng tinh thần tàng ẩn rất quý.
Hỏi: Người kia tai quăn queo, luân quách phản thế mà làm quan to. Người này tai tốt, luân quách phân minh thế mà chỉ làm lái buôn. Tại sao?
Đáp: Người hèn không có mắt quý, quý tướng không ở nơi tai. Nếu người kia trán rộng, mi sáng, quyền cao, bước dài, mắt có thần uy, ngồi vững như đá, đứng nhẹ như mây, quan chức cao là đúng. Còn người này trán ám thần đục, quyền thấp tay thô, riêng nhờ cái mũi ngay ngắn thì làm lái buôn chứ sao.
Hỏi: Cái tướng người kia không có cao lớn, không hiên ngang tại sao lại sớm đường công danh?
Đáp: Tại người đó kiêm hình Thổ cách, nhờ lý tương sinh của ngũ hành. Các bộ vị cân xứng, trán thẳng, ấn đường sáng, mi thanh mục tú, thần tĩnh khí hoà, tiếng nói ưởng lượng. Tuy không có vẻ hùng vĩ nhưng thường là loại quyền cao chức trọng.
Hỏi: Có người trước giàu sau nghèo, có người trước nghèo sau giàu. Tại sao?
Đáp: Xem tướng giàu trước hết phải đi tìm có tướng nghèo không? Nhiều tướng nghèo mà ít tướng giàu thì người ấy lúc đầu tiếng nói to lớn thanh cao, càng về sau tiếng nói cứ nhỏ dần yếu ớt và thô đục, tinh thần trước sáng sau mờ. Đó là tướng trước giàu sau nghèo. Xem tướng nghèo trước hết phải đi tìm xem có tướng giàu không? Tướng nghèo ít mà tướng giàu nhiều thì người ấy lúc đầu tiếng nói yếu ớt sau càng to lớn thanh tao, tinh thần trước mờ sau sáng. Đó là tướng trước nghèo sau giàu.
Hỏi: Có người nghèo rồi sau giàu, ít lâu sau lại trở về nghèo. Tại sao?
Đáp: Người ấy vốn nhiều tướng bần khổ, nhờ một vận hoạch tài hoặc một số tiền phi nghĩa mà sắc khí tốt lên ở cung tài bạch. Nếu các bộ vị vận hạn chắc chắn có thể được năm năm hay tám năm.
Hỏi: Nhà cự phú kia tướng mạo cao lớn, mập mạp có phải là cách thuỷ sinh mộc không?
Đáp: Đúng vậy, nếu là tướng tốt còn phải ngồi như cây tùng, đứng như dây cung (thẳng), đi như gió nhẹ, nói như chuông đồng, lưng gồ lên, bụng xệ xuống.
Hỏi: Người kia thân hình đầy đặn, nhưng ngắn lùn, trán vát, bước dài bước ngắn, tiếng nói tầm thường. Tại sao giàu?
Đáp: Thân hình đầy đặn là tướng giàu. Cao, lùn bất kể trán vát, bước loạng quạng là tướng dư ăn dư mặc nhưng hèn. Thêm nữa, nếu người ấy lùn mà lòng đôn hậu, lưng to như rùa là thổ hình thành, tiếng nói oang oang là thổ âm thành, tướng đại phú.
Hỏi: Có người nọ làm chức Châu Mục, trông nhiều vẻ đàn bà. Thế là tướng gì?
Đáp: Tướng nữ chuyển nam thân rất quý. Nhưng đừng có hình tiện, đừng có ỏn ẻn nữ thanh mới thật quý. Nếu ỏn ẻn, thân mình quá yếu ớt, thướt tha nữ đa nam thiểu là yểu tướng (Hoặc là tướng đồng đực gian hoạt).
Hỏi: Người kia tướng mạo khôi ngô, quần áo tề chỉnh trông đường đường trượng phu. Tại sao danh phận chẳng ra gì?
Đáp: Tại vì người ấy có tướng ngũ trọc (năm thứ đục) là con tim ô trọc, mắt ô trọc, tai ô trọc, miệng ô trọc, tay ô trọc.
- Con tim người ta gọi linh đài, nay gặp việc không biết làm, lâm sự bất quyết, lý không minh, tính không linh là tâm ô trọc.
- Con mắt, cửa ngõ của tinh hoa thân thể, nhìn không rõ, nhận người không hay, thần bất linh là nhãn trọc.
- Miệng phải có tài hùng biện, cao đàm khoát luận mà nay nói chẳng nên lời, đầu đuôi lộn xộn là khẩu trọc.
- Tay có thể gảy đàn, viết chữ rồng bay phượng múa, nếu tay lúng túng vụng về là thủ trọc.
- Tai nghễnh ngãng, nghe gì quên nấy là nhĩ trọc.
Phạm vào tướng ngũ trọc thì thân thể khôi vĩ, quần áo chỉnh tề để làm gì?
Hỏi: Tướng ngũ trọc hiện lên như thế nào?
Đáp: Tóc mọc thấp lấp trán, lông mày đè vào mắt, hai mắt đục mờ, hai tai cửa nhỏ, ấn đường bó hẹp, miệng nhỏ môi trắng, tóc rậm da sáp, mặt không thành quách.
Hỏi: Người kia khá thông mẫn, tại sao đọc sách bất thành, mưu lợi chẳng được?
Đáp: Mắt sáng, con ngươi linh hoạt là người thông mẫn nhưng trán như quả trứng gà, tìm đâu ra danh. Cằm lẹm, mũi như mỏ vẹt, lấy đâu ra lợi. Tiếng nói như thanh la vỡ, suốt đời chạy ngược chạy xuôi.
Hỏi: Tướng đoản mệnh và trường mệnh ra sao?
Đáp: Người tướng thọ bao giờ tinh thần cũng tàng tụ, có phong thái như cây tùng, cây bách cho nên sống lâu mà không sợ sương tuyết. Người đoản mệnh thì thần tán, lộ, mảnh mai như hoa, như liễu dễ gãy không chịu được tuyết sương. Đại ý như thế, còn phải coi tướng bộ vị nữa.
Hỏi: Tiên sinh từng đoán người kia trước nghèo sau giàu. Nay tôi thấy rất đúng. Vậy tiên sinh căn cứ vào đâu?
Đáp: Tướng pháp nói rằng: “Ăn nói lưu lợi không bao giờ bị nguy khốn”. Người ấy đầu mũi nở nang, địa các (cằm hàm) lớn rộng đầy đặn, tâm thuật chính trực, mắt trông tỏ tường, tai nghe tỏ tường, tâm hiểu tỏ tường. Chỉ vì bộ vị thượng đình khí sắc còn hãm, phải đợi hành vận ngoài bốn mươi sang vận mũi thì phát.
Hỏi: Người kia tướng mạo đầy phúc trạch, tính tình lại ôn tĩnh, lẽ ra thọ mới phải, tại sao lại yểu táng?
Đáp: Người ấy đành rằng tướng phong mãn phúc trạch nhưng tính tình ôn tĩnh không phải là chân tĩnh mà là vô thần, tướng pháp nói: “Ngồi lặng đi như thế gian này chẳng còn ai, nhất định chết sớm”.
Hỏi: Tiên sinh nói người kia hay bị ghét bỏ, tại sao?
Đáp: Tại môi không che được răng, thái độ bất hòa nên dễ chiêu hiềm.
Hỏi: Bọn nha môn công sai chốn phủ đường, có thành tướng hay không?
Đáp: Có chứ. Phần lớn cổ dài, tay thon thường là công chức bàn giấy. Tiếng lớn quyền nhọn, tay chân các ông lớn. Lưỡng quyền ủng thũng, mặt vênh, ngực gồ, ưa quát tháo, lấy râu làm uy là bọn vệ sĩ.
Hỏi: Tiên sinh bảo người kia lúc về già tất phá bại, nay quả đúng thế. Tại sao?
Đáp: Phàm những ai bộ phận trung đình dài, mũi nở nang cao, lưng dầy, mắt có thần nhưng lúc đi đầu đâm đằng trước, gót chân không đặt xuống đất, thế nào về già cũng bán hết ruộng vườn.
Hỏi: Người kia mắt, tai, miệng, mũi đoan chính, ai cũng nói về sau sẽ phát đạt vượng tử, tiên sinh đoán cô bần, nay quả nhiên, xin tiên sinh cho biết tại sao?
Đáp: Hình tốt mà tinh thần khuyết, lệ đường thâm hãm, bước đi lệch lạc cho nên cô bần.
Hỏi: Người kia có sáu con trai, tiên sinh lại đoán lúc chết không ai chống gậy, tại sao?
Đáp: Vì nam nữ cung sâu hãm, miệng thổi lửa, luôn luôn mắt ướt lệ về già cô độc.
Hỏi: Người kia tướng mạo hổ hình toàn, lẽ ra phải cự phú hưởng phúc lâu dài, tại sao suốt đời long đong?
Đáp: Sách tướng có dạy “Thượng đoản hạ trường hề nhất sinh tung tích phiêu bồng”. Bởi vì chân dài hơn thân mà ra vậy.
Hỏi: Bọn tu hành, tăng lữ có phân phú quý, bần tiện hay không?
Đáp: Sao lại không? Dù trong tăng đạo đi nữa cũng vẫn có phú quý, bần tiện. Sư mà mắt sáng, đầu tròn, tai cao, mũi nở tất người đời trọng vọng, của thập phương dư ăn dư dùng.
Hỏi: Ở trong tiệm kia có kẻ tướng mạo khôi vĩ, tay đầy, mắt sáng thế mà phải đi làm cho người, tại sao?
Đáp: Tại mũi nhỏ trán lệch, tay không có móng tay hoặc tay cụt ngủn, tai mọc thấp, thần khí đoản.
Hỏi: Lưng mỏng, vai so có phải là tướng nghèo không?
Đáp: Tướng nghèo rất nhiều chẳng cứ lưng mỏng vai so. Nhưng tướng nghèo mạt trông như con gà đứng trong mưa.
Hỏi: Tôi nghe nói tướng pháp dạy: mi thanh mục tú là tướng quý, lưng đầy đi như ngỗng là tướng giàu. Nhưng tôi lại thường thấy trong đám hạ lưu không ít người mi thanh mục tú, tại sao?
Đáp: Mi thanh mục tú cần phải đi đôi với thần uy bộ vị tương xứng. Nếu mi thanh mục tú mà thái độ nịnh bợ, hay nũng nịu thì chỉ là kẻ có đôi chút thông minh nhưng hạ tiện.
Hỏi: Bọn trộm cướp thường có hổ hình tướng, trong khi theo tướng pháp, hổ hình tướng là tướng cực quý, tại sao?
Đáp: Hổ hình tướng cũng có nhiều loại. Kháo sơn hổ, toạ sơn hổ, xuyên sơn hổ, xuất sơn hổ và thất sơn hổ. Trộm cướp thuộc loại thất sơn hổ, ví như con hổ bị lùa khỏi núi.
Hỏi: Hổ hình tướng phân ra nhiều loại. Vậy phượng hình, long hình, hạc hình cũng vậy ư?
Đáp: Phải. Mắt phượng có ba loại: Mắt đan phượng, mắt phượng ngủ, mắt phượng hót, đều chủ quý. Duy mắt phượng ngủ thường là võ tướng xuất thân khi sau biến ra chức. Hình long có ba loại: phi long, du long và khốn long. Khốn long bao giờ cũng phát đạt rất muộn. Hình hạc cũng có ba loại: hạc đậu, hạc bay và hạc đi. Chỉ có hạc đi mới đại phú quý.
Hỏi: Bọn hạ tiện có những kẻ môi hồng, răng trắng lưng đầy, eo tròn, da dẻ mịn màng. Tướng tốt mà hạ tiện. Tại sao?
Đáp: Bọn đó nhờ dinh dưỡng, nhờ ăn không ngồi rồi mới có những tướng ấy, thời gian ngắn ngủi như kiếp con thiêu thân, đáng kể gì. Cũng là một loại tiện tướng.
Hỏi: Nói chung chung thì tiện tướng ra sao?
Đáp: Hình đẹp hơn thần, thịt nhiều hơn xương, dáng ẻo lả, thần bạc nhược, ưa được an ủi vỗ về.
Hỏi: Tiên sinh đoán người kia bị vợ bỏ. Tại sao?
Đáp: Xem ở thiên môn bộ vị (đuôi mắt ra thái dương) có vệt chữ thập.
Hỏi: Tướng người kia bộ vị bình ẩn, vì lẽ gì mà đi ăn mày?
Đáp: Vì người ấy nói không thành tiếng, đôi mắt đục như mắt con cá, đen trắng không phân minh, xương khô, hình cơ hàn cho nên đi ăn mày.
Hỏi: Người kia mũi nở cao, mi mục tú lệ, tinh thần thanh sáng, tiếng nói ưởng lượng, tướng mạo có thể gọi là đường đường. Thế mà chết yểu, tại sao?
Đáp: Tại vì cốt bối, hãy xem cái lưng người ấy xương khô lộ, tướng mặt tốt mà tướng lưng cô bần nên hư danh, vô thọ. Hoặc người thanh, tay thô rất xấu.
Hỏi: Những người chết oan uổng, tướng cách thế nào?
Đáp: Những người ấy, mắt trắng nhiều hơn đen, ít hay nhiều nhìn xuống, môi cong hoặc mặt trông như khóc, hoặc tinh thần mông muội, nói trước quên sau, đang nói điều nọ xọ ra điều kia, nói câu chuyện chẳng ra đâu vào đâu cả.
Hỏi: Tiên sinh nói vì tinh thần hôn ám nên uổng tử. Vậy có người 60 tuổi đầu còn treo cổ tự sát là tại sao?
Đáp: Người 60 tuổi còn treo cổ tự sát là vì mắt tứ bạch hoặc dưới mắt có răn trông như cái lưới, hoặc môi co.
Hỏi: Người chết đuối tướng thế nào?
Đáp: Có hắc khí chạy vào miệng.
Hỏi: Sách nói tướng đi rất quan trọng, kẻ tiểu nhân thì thân nhẹ bước nặng, thế thân nặng bước nặng thì sao?
Đáp: Chỉ có thân nhẹ bước nặng là bần tiện mà thôi.
Hỏi: Thế gian lắm kẻ giảo quyệt, làm đầy tớ thì ăn mặc bảnh bao hơn ông chủ, làm ông chủ lại mặc xuềnh xoàng để dấu của. Làm thế nào để nhận ra?
Đáp: Không khó. Quý nhân tất đầu tròn, trán cao, tai cao, tinh thần thanh sáng, tiếng nói ưởng lượng. Còn hình dáng tiểu nhân thì đầu nhọn, mắt đơ, tai thấp, ngón tay thô, trán hẹp. Sách có câu: Muốn ăn đồ của người sang thì phải có tướng mạo người sang là vậy.
Hỏi: Râu ria người kia cân xứng, tiên sinh bảo nên cạo đi là nghĩa làm sao?
Đáp: Khi nào thần sắc kiển trệ thì nên cạo râu cho bớt hãm.
Hỏi: Có thể biết thời vận qua tướng được không?
Đáp: Mất hay được do ở khí sắc. Trông khí sắc có thể biết thời vận.
Khoa học Huyền bí
Vũ Tài Lục
Tướng mệnh khảo luận

- P -
LUẬN VỀ HÌNH CỤC NGŨ HÀNH
Xem tướng đến bậc cao là xem hình cục ngũ hành và khí sắc.
Hình cục ngũ hành là gì?
Con người ta sinh ra chịu ảnh hưởng của ngũ hành chi khí để thành hình cục, thành khí sắc, thành bộ vị.
Ngũ hành là: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ nghĩa là năm yếu tố căn bản của thiên nhiên.
Tướng được toàn hình cục ngũ hành hoặc theo lý sinh của ngũ hành là cực quý. Nếu khắc thì nguy hại.
Lý sinh của ngũ hành là: kim sinh thủy, thủy sinh mộc, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim.
Khắc là: kim khắc mộc, mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim.
Người hình kim thì vuông chắc, da dẻ trắng, xương lớn thịt đầy (nếu xương nhỏ thịt nhiều, ngồi càng lâu càng nặng, tiếng nói vang vang) là kim cục toàn.
Người hình mộc thân thể chân tay đều dài, xương lớn, thịt vừa phải không cần đầy. Đi đứng thẳng thắn, sắc khí thanh tú. Gầy gò nhưng cân vẵn nặng. Nếu lưng quá mỏng là hỏng. Mộc hình phải khoẻ thì mới mong làm cột trụ. Tinh thần sảng trực, da dẻ xanh hay đen là mộc cục toàn. Người thủy hình thân thể tròn nặng, mập chắc, lưng ụ lên, bụng xệ, đi rất nhanh như nước trên cao chảy xuống, da dẻ đen hay trắng là thủy cục toàn. Người hỏa hình da ngăm ngăm nhiều sắc đỏ, động tĩnh bất thường, ngồi lâu không mệt, xương cốt như có ngọn vút lên trên, dưới lớn trên nhỏ là hỏa cục toàn. Người thổ hình thân thể mập mạp, đôn hậu, da dẻ hồng pha vàng, tính tình điềm đạm, xương lớn thịt đầy là thổ cục toàn.
Được toàn cục tướng thì đại phú, đại quý.
Có bài thơ cho dễ nhớ (bài này trích từ sách “Tướng Lý Hành Chân”).
Mộc sưu, kim phương thủy chủ phì
Thổ hình thân hậu bối như qui
Thượng tiêm hạ khoát danh vi hỏa
Ngũ danh nhân hình tử tế suy
nghĩa là:
Mộc gầy kim vuông thủy mập phì
Thổ hình đầy đặn lưng linh qui (con rùa)
Dưới rộng trên nhọn là hình hỏa
Năm vẻ nhân hình cứ thế (mà) suy
Hình cục ngũ hành tối kỵ:
- Kim mộc đi đôi.
- Thủy hỏa đi đôi.
Luận hình cục cứ chọn theo số nhiều.
- Gầy là mộc.
- Vuông vắn là kim.
- Mập mập là thủy.
- Nhọn là hỏa.
- Dầy chắc là thổ.
- Nên tương sinh đừng tương khắc.
Kim hình được kim cục gặp thổ hay vì thổ sinh kim.
Thổ hình được thổ cục gặp hỏa tốt vì hỏa sinh thổ.
Người hình kim mà da đỏ hồng thì tiền bạc hư hao như hỏa đốt kim (hỏa khắc kim).
Người hình mộc mà da trắng bạch thì tiền bạc tiêu ra như nước, như dao chém gỗ (kim khắc mộc).
Hình cục ngũ hành nếu toàn mới đại phú, đại quý nếu pha dù tương sinh cũng kém đi.
Sách “Thần Tướng Toàn Biên” có thơ rằng:
Tú Lệ vi kim cốt hựu thanh
Tị cao phong khởi quán thiên đình
Ngữ ngôn ưởng lượng như chung cổ
Tự thi triều trung hữu đại danh.
nghĩa là: Dáng người thanh tú trắng trẻo, xương cốt thanh nhã là hình kim. Mũi cao âm thanh ưởng lượng như chuông đồng thì tất phải có đại danh nơi triều đường.
Quảng trường vi mộc nhược lan can
Hình tự thanh tùng nại tuế hàn
Phương tiện sở vi tâm tính hoãn
Tự nhiên lân vật tác thanh quan
nghĩa là: Người dài vai rộng sẽ như khối ngọc là hình mộc. Thân giống như cây tùng chịu được gió lạnh. Tâm tính hiền hòa, nhưng tinh thần sáng suốt. Thương người, tất là một vị cao quan thanh liêm.
Thủy thể năng phương diện hựu viên
Cốt thanh thần tú ỷ đa ban
Vị nhân tự thị tâm nan trắc
Chung thị minh kha nhất phẩm quan
nghĩa là: Người dày dạn chắc chắn mặt lại tròn là thủy hình. Xương cốt thanh, tinh thần sáng, đa mưu trí. Có thể làm quan bậc nhất phẩm.
Cốt nhục cao đê diện bất bình
Hỏa hình kiêm sưu khí tu thanh
Hữu quyền mãnh liệt đa năng đoán
Kiếu tiết phong hầu trực thủ thành
nghĩa là: Xương cốt da thịt nổi cao hướng thượng là hỏa hình. Người thường gầy, thần khí thanh sáng. Quyền vào trong tay hành động như sấm sét, quyết đoán nhanh. Rất trung trực và kiên trì.
Đôn hậu kiêm thanh, tú hưu phong
Hổ mi, qui bối hạnh như hùng
Bình sinh tự thị đa hào phú
Vị ứng trung ương bất khả cùng.
nghĩa là: Người to lớn, mập mạp nhưng trông vẫn thanh tú. Xương mày gồ cao, lưng to chắc cổ bự như cổ gấu. Mũi thổ tĩnh ở trung ương thật to là hình thổ, đại phú.
KHÍ SẮC
Khí sắc là chỗ tế vi của tướng pháp. Xem bộ vị là xem toàn bộ mệnh số.
Hơn nữa, khí sắc chính là sức sống của bộ vị, nếu mũi cao mà không có sắc tốt thì bộ vị cũng chẳng đáng kể, ví như cái cây lớn nhưng bên trong đã hết nhựa rồi. Xem khí sắc chính là xem sức sống của con người vậy.
Sách “Thủy Kính Tướng Pháp” nói:
Giám mạo biện sắc, hữu chư nội tất hình ư ngoại (Nhìn diện mạo xem khí sắc, bên trong thế nào sẽ hiện ra bên ngoài thế ấy).
Ta thường bảo người này thần thanh khí sáng, mãn diện xuân phong, thổ khí dương mi hay nôm na là mặt mũi nở nang, sáng sủa, nở mày nở mặt để chỉ người đó lúc đắc ý.
Ta thường thấy người kia khí sắc ám hãm, thùy đầu táng khí hay nôm na là mặt xơ xác để chỉ người ấy lúc nghịch vận thất ý.
Như thế là ta đã coi khí sắc đấy. Có điều ta không thể biết trước vận suy vận hên qua khí sắc thôi.
Xem tướng khí sắc để có thể biết trước sự hay dở sắp đến.
Trời có mưa bão bất trắc thì người cũng có họa phúc bất kỳ.
Trên trời mây đen kéo đến ai cũng biết sắp mưa, mặt người bỗng nhiên quang nhuận, sáng rỡ là triệu chứng sắp ăn nên làm ra.
Họa phúc chi lai, hữu kỳ tiên triệu, chí thành chi đạo khả dĩ tiền tri (Họa phúc sắp tới, bao giờ cũng có dấu báo, thành tâm học đạo, khả dĩ biết được trước).
Thời Dân Quốc có Trần Quả Phu, cánh tay đắc lực của Tưởng Giới Thạch, chuyên trông coi việc đảng. Phu là người giỏi về tướng pháp.
Một lần, Trương Quế, đảng viên cao cấp của Quốc Dân Đảng được cử đi làm tư lệnh tiếp vận đến chào từ biệt Trần Quả Phu.
Trông thấy Quế, Phu sửng sốt bảo:
- Xin ông lưu ý, khí sắc của ông ám hãm lắm, phải cẩn thận đề phòng.
Quế vì quân lệnh trong lúc chiến tranh nên tuy nghe Phu nói thế cũng đành chỉ vâng vâng dạ dạ, chẳng làm gì hơn được.
Nhậm chức chừng hơn một tháng, Quế bị cách chức vì một kho đạn do quân khủng bố phá hoại đốt cháy.
Tuy đau xót nhưng Quế cũng tự an ủi: “Thôi cái nạn này là may rồi”.
Thu xếp cùng gia quyến trở lại quê nhà, không ngờ nửa đường phi cơ Nhật xà xuống bắn vào xe Quế, xe lật nhào xuống, vợ bị thương con chết. Quế bị thương nhẹ.
Sách tướng viết:
Khí sắc hối trệ họa vô đan hành (khí sắc ám hãm, họa đến liền liền).
Đầu thời Dân Quốc, tại Hán Khẩu có một thầy đông y chuyên trị về thận khí và đã nổi danh toàn quốc với hộp cao đan hoàn tán: Thận khí hoàn. Ông tên là Đường Tử Long. Chẳng những hay thuốc mà thôi, ông còn giỏi nghề coi tướng, nhất là coi thần khí người ta để biết chết sống.
Có một lần, ông tới chơi nhà người bạn thân, nhân đi qua dược phòng ở bên cạnh nhà bạn, ông thấy một người tuổi trung niên vừa bước ra cửa. Ông sửng sốt và dừng lại ngó theo chừng vài phút rồi vội vào nhà bạn gọi người con trai bạn ra mà bảo:
- Này cháu, nhà ta có quen với cái người bên cạnh vừa đi ra đó không?
- Dạ, em ông ta là bạn của cháu.
- Vậy cháu hãy làm phúc cho người ta.
- Dạ, bác nói sao?
- Bác đi qua trông thấy thần khí người ấy bất túc, chắc bệnh nặng đến nơi. Còn nặng hơn thế nữa, trước khi mặt trời lặn ngày hôm nay, người ấy có thể chết. Thần đã bại, khí đã tán chẳng còn cách chi cứu được. Chỉ còn cách là bảo em ông ấy đi tìm về để ông ấy được chết tại nhà trông thấy con cháu.
Gã thanh niên vâng lời qua nhà bên bảo với bạn đi mời ông anh về, nói dối là để xem mạch cho ông cậu (người ấy cũng là đông y sĩ) vừa bị cảm nắng.
Người bạn gật đầu nói:
- Anh tôi qua thăm người bà con chắc lát nữa về.
Chừng xế trưa, người ấy trở về, rửa mặt định ngồi vào bàn ăn thì bỗng xây xẩm mặt mày ngã quay xuống đất. Cả nhà vội vực vào trong buồng cho uống thuốc và cạo gió. Một lát ông ta tỉnh lại. Cả nhà vui mừng nghĩ rằng ông bị cảm qua loa thôi.
Ai ngờ khi Đường Tử Long đang ngồi đàm thoại thi phú với bạn bỗng nghe nhà bên tiếng khóc inh ỏi thảm thiết.
Người trung niên ấy đã chết khoảng sáu giờ rưỡi chiều.
Thời lai phong tống đằng vương các
Vận khứ lôi oanh tấn phúc bi.
Muốn biết gió có đưa lên đằng vương hay sấm sét sẽ đánh vào mộ bia.
Thì xem khí sắc.
Khí sắc là gì?
Trước hãy nói về khí.
Sách “Tướng Lý Hành Chân” có câu:
Con người là một loại cây không có rễ
Nhất nhất đều dựa vào khí làm rễ nuôi sống cây.
(Nhân bản vô căn thụ, toàn bằng khí tức dĩ căn thù).
Nhờ nguyên khí nuôi dưỡng, con người thành trưởng mạnh hay yếu, lớn hay bé, thông minh hay ngu si. Danh từ nguyên khí rút từ lời giải nguyên thân chi tổ khí rồi gọi tắt mà thành. Lúc ta thở hít khí trời là tìm kiếm hậu thiên chi khí để tiếp với nguyên khí nuôi sống cơ thể.
Vậy cái khí sắc mà ta nói đây là nguyên khí hay cái khí tiên thiên chứ không phải cái khí hậu thiên. Nguyên khí tốt xấu do hấp thụ tinh linh âm dương ngũ hành khi còn ở trong bụng mẹ và khi mới ra chào đời.
Tuy nhiên, không phải chỉ có nguyên khí mới đáng kể, còn hai loại khí khác cũng có ảnh hưởng quan trọng đối với vận số con người là: Hàm dưỡng chi khí, Sở tập chi khí.
Ai tập Yoga thường có khí hàm dưỡng.
Làm việc thiện ác thường có khí sở tập. Tỉ dụ: làm thiện trong lòng vui sướng có thể đem cái khí sở tập đó tưới cho nguyên khí tốt tươi, làm ác lo sợ thì cái khí sở tập đó tác hại cho nguyên khí khiến cho khí sắc ám hãm.
Khí có tốt thì thần mới sáng. Thần có sáng thì sắc mới đẹp.
Khí đoản thần khô, thần khô sắc trệ.
Sắc trệ chỉ nhân diện trần ai, người sắc trệ mà (màu?) như lấm tro than. Sắc trệ thì tai họa sắp tới.
Tất cả bắt nguồn từ khí, cho nên mới phải gọi là coi khí sắc.
Nếu ta đặt câu hỏi: Làm thế nào khí có thể biết họa phúc sắp tới để mà báo ra sắc?
Ấy bởi nguyên khí hấp thụ tinh linh dương ngũ hành nên mới có được cái tinh linh đó cũng như con kiến biết trước trời mưa nhờ tính linh cảm thấy những biến chuyển từ lòng đất cũng như máy Radar, cũng như máy thu thanh bắt làn sóng điện.
Có bài ca rằng:
Tinh sinh ư khí, khí sinh thần
Nhật nguyệt quang huy bản thể chân
Thần triệt ngoại minh năng chiếu vật
Thâm cùng thử lý tĩnh vô trần
Khí như du hề thần tự đăng
Thần cư lưỡng nhãn đắc y bằng
Thu ba sáng lạn công danh tảo
Hôn mạo đồng nhân phúc khởi tăng
Tọa hữu tinh thần lập hữu uy
Bất giao bất động tự nga nguy
Tiền sinh tu tích kim sinh thụ
Chủng đắc phượng mao phấn dực phi
Vạn vật bằng thần chủ tể sinh
Tinh thần nhất ủy tự nan thành
Khảm kha sự nghiệp vô tha diệu
Quang thái sạ nhân tứ hải kình
Tọa, ngọa vô thần, lập bối hàn
Thế gian lao khổ thử gian khan
Nhãn tiền căn cách tiêu dao hảo
Chung lạc trần ai khứ vũ hàn.
Xin tạm dịch đại lược nghĩa như sau:
Tinh do khí sinh, thần cũng do khí sinh
Mắt sáng cũng nhờ khí tốt
Tinh thần quán triệt cũng nhờ khí
Khí như chất dầu, tinh thần là ngọn đèn.
Tinh thần ở đôi mắt. Mắt rạng rỡ công danh sớm sủa.
Mắt lờ đờ vô phúc lộc. Nhờ tinh thần thanh sảng nên ngồi đứng uy nghi. Vạn vật đều do tinh thần làm chủ.
Thuộc bài ca trên đây và suy nghĩ về nó, ta có thể rõ thế nào là thần khí.
Sắc là gì?
Vui, buồn, mừng giận đều có sắc hiện trên mặt. Buồn mặt trắng bệch ra, giận mặt đỏ lên hay tím lại. Đó là sắc của bẩy tình. Còn sắc mà tướng học đi tìm là sắc ở trong tạng phủ phát hiện ra ngoài mặt hoặc ra lòng bàn tay. Sắc trên tướng học là tính linh tiên tri, tiên giác về cát, hung, họa, phúc. Người quân tử sắc thường minh lãng (sáng sủa). Kẻ tiểu nhân sắc thường ám trệ.
Sắc là tinh hoa của khí. Khí tốt sắc đẹp.
Sắc có năm màu: xanh, đen, đỏ, vàng, trắng.
Sắc có ngũ hành: xanh thuộc mộc, đen thuộc thủy, đỏ thuộc hỏa, vàng thuộc thủy, trắng thuộc kim.
Nếu đem áp dụng vào y lý để xem tướng tật bệnh thì sắc trắng ở phế (phổi) phát ra vì phế thuộc kim.
Sắc xanh ở can (gan) phát ra vì can thuộc mộc.
Sắc đen ở thận phát ra vì thận thuộc thủy.
Sắc vàng ở tì (lá lách) phát ra vì tì thuộc thổ.
Sắc đỏ ở tâm phát ra vì tâm thuộc hỏa.
Tính chất cát, hung của sắc ra sao?
Sách “Tướng Lý Hành Chân” viết:
Xanh chủ ưu kinh lo sợ.
Vàng chủ cát khánh tốt lành.
Đỏ chủ khẩu thiệt quan tụng
Đen chủ lao ngục, bệnh tật chết chóc.
Trắng chủ ưu sầu tang tóc.
Sắc ẩn hiện thế nào?
Xanh lúc đến như rêu xanh bám trên bờ giếng, như rỉ đồng, lúc đi phơn phớt mầu cỏ non.
Vàng lúc đến như tằm nhả tơ, ong ong như mầu tơ kén, lúc đi nhợt như hạt kê bóc vỏ.
Đỏ lúc đến như lửa cháy, lúc đi nhạt như cánh sen.
Trắng lúc đến như mỡ đông, lúc đi như nước gạo.
Đen lúc đến như vết quết than, lúc đi như cáu bẩn.
Trên đây là lối nói của cổ nhân, sự thật mặt con người ta chẳng có ai lại vàng như tơ tằm hoặc xanh như rỉ đồng. Cổ nhân, nhất là người Trung Quốc vẫn hay quá hỏa. Vậy ta chỉ chấp nhận rằng sắc có ẩn hiện, đậm nhạt, đi và đến thế thôi. Chớ nệ cổ. Vàng tơ tằm là nó hao hao màu tơ tằm không phải đúng in như tơ tằm.
Sắc có hình thù hay không?
Sắc có hình thù hoặc lớn như hạt gạo, hạt đậu hoặc như những sợi tơ, hoặc một miếng vuông như con dấu hoặc tròn như hạt ngọc hoặc như đám mây.
Nổi lên trên da gọi là sắc.
Nằm ở dưới da gọi là khí.
Sáng hẳn lên thanh sáng hoặc nổi lên hoạc chìm xuống hoặc tản mạn hoặc hỗn loạn.
Càng rõ rệt bao nhiêu vận càng nhanh bấy nhiêu.
Thần là gốc, khí là thân, sắc là cành lá.
Tuy phân ra làm ba nhưng vẫn chính là một thể, cho nên người có tinh thần vững chãi, không bao giờ khí lại táo cấp và sắc lại vội vàng.
Hữu thần tất hữu khí, hữu khí tất hữu sắc.
Cả ba nối buộc chặt chẽ với nhau là tốt.
Nếu chỉ có thần mà vô khí sắc, thần bị chèn ép gọi là thần thảm.
Nếu chỉ có khí mà vô sắc vô thần, khí không có chỗ phát động gọi là khí trệ.
Nếu sắc mà không liên hệ với thần khí là loạn sắc.
Thần khuyết hãm hay sung thực nhìn ở đôi mắt.
Khí khuyết hãm hay sung thực xem ở cái mũi.
Sắc khuyết hãm hay sung thực trông ở đôi môi.
Cho nên xem tướng dù người kia khí sắc tố thế nào chăng nữa trước khi luận đoán phải trở lại vấn đề thần.
Dù sắc tốt thế nào chăng nữa, trước khi luận đoán phải trở lại vấn đề khí.
Dù sắc mặt tốt thế nào chăng nữa, trước khi luận đoán phải xét lại đôi môi.
Trở lại gốc cốt để xem triệu chứng tốt ấy có lâu bền hay không? hoặc xem triệu chứng xấu có nặng không? Khi nào thấy thần bại, khí tán là hết thuốc chữa.
Trong sách “Tướng Lý Hành Chân” có một đoạn đầu đề là “Lục thần khí sắc bí quyết” như sau:
Hai mắt đen trắng phân minh, mặt sáng rỡ ánh hồng vàng gọi là sắc thanh long, sẽ phấn phát lớn.
Toàn mặt màu đỏ rần, rìa mặt như ám khói gọi là sắc chu tước, sẽ bị tai họa hình ngục.
Toàn mặt có sắc như tro bụi bám, tinh thần u mê gọi là sắc đằng xà, gia đạo nguy biến, phá sản.
Mắt đục lờ, đen trắng lẫn lộn, thần quang hôn ám hoặc dưới mắt nườm nượp những tơ xanh gọi là sắc Câu trần sắp gặp vạ ở đâu bay đến.
Dưới mắt trắng lờ phờ, phóng bạch quang gọi là sắc Bạch hổ, có tang chế.
Dưới môi hoặc cằm có sắc đen như đám mây đen gọi là sắc nguyên vũ (huyền vũ?), sợ người ám hại.
Sắc đa số thuộc hung triệu, thiểu số thuộc cát triệu, dữ nhiều lành ít.
Sắc tốt chỉ có sắc hồng hoàng (vàng pha hồng) trông tựa như con tằm chín hiện lên đầu mũi, sơn căn ấn đường, mí mắt, giữa trán, lưỡng quyền, thiên sương, dịch mã và hiên môn, hai tai.
Còn các sắc khác xanh, đen, trắng, đỏ đều chủ hung.
Tốt hay xấu đều phải có một điều kiện là sắc cầu quang ánh, nếu sắc xấu, quang ánh sẽ giảm xấu, tiêu khô, ám trệ càng tăng xấu, tiêu khô thì dù hồng hoàng sắc cũng chẳng đáng kể.
Tướng pháp cổ nhân có bài phú về khí sắc như sau: (bài này trích trong “Thần Tướng Toàn Biên”).
Sắc thanh tĩnh, trăm họa chẳng lo
Khí sắc mung lung, trăm việc chẳng thành
Quang mắt xanh lam, vận đại bi
Hồng hoàng mãn diện, sắp vinh xương
Nếu còn trệ khì thì dịp may còn chậm
Sắc đỏ tung hoành, gặp họa quan tụng
Sắc đen dăng ngũ khiếu, tính mạng lâm nguy
Vượng khí hồng hoàng trên trán, lộc trên trời rơi xuống
Ấn đường vàng ánh, phẩm cấp thăng hoa
Lưỡng quyền hiện sắc đỏ, anh em tranh chấp
Hoàng khí lai nhi đa cát khánh
Bạch sắc phát nhi chủ táng vong
Thiên đình nổi sắc trắng, vạ khẩu thiệt hay tình thương
Địa các kéo mây đen, quan nha kiện tụng
Cuối mắt rực rỡ ánh vàng, có tình yêu hoặc sắp lấy vợ
Hiên môn có sắc đen, gia đạo biến cố
Pháp lệnh đỏ, mặt như người say rượu, chết bất kỳ.
Hắc sắc vào cung tử tức, con cái đau ốm.
Khí xanh ở dưới mắt sắc xanh, có sự lo buồn về vợ con.
Màu trắng chạy dài trên sống mũi, đại tang hoặc tang anh em.
Mũi toàn màu xanh, tai họa đến nơi.
Ấn đường hắc sắc, lắm u sầu.
Sống mũi ửng vàng, thăng quan tiến chức.
Sống mũi ửng đỏ, tâm trạng cạnh tranh, ghen ghét.
Sống mũi đen, sắp bệnh nặng.
Sống mũi xanh, bị lăng nhục.
Dưới mắt nổi đỏ, có tranh tụng.
Trên mi có màu vàng, lộc sắp tới.
Trên mi hiện vết đen, bị ngã hay bị thương.
Tràn u ám đen, vỡ nợ, phá sản, nghèo khổ.
Đầu mũi hồng hoàng, lộc vị thành.
Trán trắng bạch, chiêu hung họa.
Sơn căn xanh, tật bệnh.
Sát chân tóc trên trán vàng sáng, mọi sư như ý.
Lỗ mũi hắc ám, việc gì cũng hỏng.
Cằm lên sắc đỏ, hao tài.
Hiên môn hiệc sắc bạch, thê thiếp, phá gia.
Sắc vàng ít, sắc xanh nhiều, công danh tưởng được mà hỏng.
Sắc xanh ít, sắc vàng nhiều, phú quý tưởng mất mà được.
Chính diện sắc hoàng quang, muốn gì được lấy.
Ấn đường nhiều hỉ khí, chuân chuyên (lao đoa).
Sắc tựa mây chiều (vàng), tương lai sáng lạn.
Môi xanh, chớ đi sông nước.
Xanh đen tại dịch mã, chớ đi xa.
Đầu mũi đen thảm, sáng bệnh chiều chết.
Ấn đường vàng sáng, cầu quan tấn chức.
Sắc chia ra như sau: Thủ sắc. Tán sắc. Hại sắc.
- Thủ sắc còn có danh Tụ sắc mầu vàng vàng ẩn ở dưới da thịt vừa đẹp vừa có thể mảng mảng đùn lên trông như người vừa được tắm nắng ngoài biển.
Sắc nào báo hiệu nhà cửa làm ăn hưng vượng
Tán sắc là có sắc mà vô khí. Đầy mặt quang thái hoa tạp hoặc sáng trên da mà ám dưới da, hoặc sắc mặt sáng nhuận mà lòng bàn tay vô khí sắc, lạnh lẽo, hoặc nhan diện minh lãng mà tai mũ dơ dáy đều thuộc tán sắc, chủ đại bại.
Hại sắc tức là sắc kiển trệ. Đầu mũi tro than, sắc mặt mờ ảo, chung quanh mắt u ám, hoặc như bôi mỡ vào mặt hoặc đỏ rầng rầng đều thuộc loại hại sắc. Chủ khốn cùng.
Tại sao lại nói: Tứ thời khí sắc?
Trước khi đi vào phần nghiêm cứu, độc giả hãy đọc chuyện: “Mãn diện hồng quang bất nghi thu thiên” trích trong tập “Mệnh tướng đàm kỳ”.
Có một người tên Trần Tiểu Vương không bao giờ tin tướng số, nhưng lại là bạn rất thân với ông Đào Bán Mai, tay xem tướng tài giỏi của năm 1910-1942 tại Trung Quốc.
Trần Tiểu Vương thường chế giễu Đào Bán Mai. Cụ Đào chỉ mỉm cười đáp lễ. Một lần Tiểu Vương đến nhà cụ Đào chơi, thấy Đào Bán Mai chú ý nhìn mình nên nói đùa: “Hôm nay tiên sinh sắp sửa giở tướng số ra nữa đấy phải không? Vậy xin tiên sinh quả thực có nom ra cái gì thì cho tôi hay, với điều kiện là đừng cà kê tương lai xa xôi, quá khứ đã chết”.
- Được, được, - Đào Bán Mai trả lời. - Trong vòng 14 ngày kể từ bây giờ, tiên sinh hãy đề phòng có thể có chuyện bất hạnh xảy ra.
Trần Tiểu Vương nói:
- Xin vâng lời tiên sinh. Tuy nhiên, việc đời phải có lý mới bắt người khác chịu phục. Tại sao trong vòng 14 ngày nữa, tiên sinh căn cứ vào đâu mà dám quả quyết sẽ có sự bất hạnh xảy đến cho tôi.
Đào Bán Mai trầm giọng nói:
- Lúc này vào tiết cuối thu, theo định lý về khí sắc của tướng pháp thì không nên có hồng quang mãn diện như tiên sinh hiện thời. Theo tôi, tiên sinh cứ đóng cửa mà đừng làm gì nữa là hơn. Thu tiết thuộc kim, mặt đỏ là hỏa, hỏa khắc kim, tôi e có lao ngục chi tai, hoặc thất tán tiền tài chi họa.
Trần Tiểu Vương giật mình, vì cách đấy vài ngày, công việc thương mại của ông nghe tình không mấy tốt.
Do đó, Trần Tiểu Vương mới chịu nghe cụ Đào, về nhà đóng cửa không đi đâu hai tuần, không nghe điện thoại mà cũng không gọi điện cho ai. Mọi việc trong 14 ngày ấy, Tiểu Vương đều giao phó cho vợ giải quyết.
Vài ba ngày sau, người bạn của Vương gặp Đào Bán Mai nói:
- Ông cụ xem tướng chỉ hại người ta. Lão Trần vì nghe cụ nên bỏ trễ công việc, hắn vừa thiệt hại một số tiền khá lớn, tin tướng với số thật mệt, chưa thấy lợi đâu đã thấy hại.
Cũng vì chỗ bạn bè thân nên cụ Đào chỉ cười xòa.
Buổi trưa hôm ấy, Trần Tiểu Vương gọi điện thoại hỏi:
- Tôi vừa thất tài rồi, liệu tai họa qua chưa?
Đào Bán Mai đáp:
- Tiên sinh soi gương, hoặc nhờ bà nhà coi dùm xem hồng quang trên mặt đã bớt chưa?
Chặp sau bà Trần Tiểu Vương cho biết hồng quang vẫn y nguyên.
Họ Đào nói:
- Nếu vậy thì cái họa lao ngục khó tránh lắm.
Trong khi đó thì thị trường giao động mạnh, bà Trần không đủ ứng phó, Tiểu Vương sốt ruột nhào ra cứu vớt tài sản, tự nghĩ rằng mình đã tán tài rồi thì khỏi lao ngục.
Quả nhiên, nhân một vụ hối lộ không khéo, Trần Tiểu Vương bị bắt giam vào ngày thứ 11 trong cái hạn mãn diện hồng quang bất nghi thu thiên.
Tứ thời khí sắc là nên có khí sắc tương sinh với bốn mùa, kỵ tương khắc
Xuân yêu thanh hề hạ yêu hồng
Thu gian bạch sắc hỉ trùng trùng
Đông gian hắc khí thừa lai vãng
Nhược bất chiêu hình ứng thủy chung
Xuân thuộc mộc sắc cần xanh. Hạ thuộc hỏa sắc phải hồng. Thu thuộc kim sắc nên trắng. Đông thuộc thủy sắc cần đen.
Chỉ có màu vàng thuộc thổ. Bốn mùa màu vàng vô hại. Màu vàng lại là màu tốt, nên lúc nào vàng cũng được, chỉ cần phân biệt vàng của khí sắc đẹp hay vàng vọt bệnh tật thôi. Xin nhắc lại, sắc vàng của khí sắc tốt trông như màu vàng của con tằm vừa chín.
Tứ thời khí sắc là nói toàn bộ do mặt chứ không phải nói một vết một vầng hiện lên bộ vị. Nếu mùa thu mặt trắng rất tốt, nhưng nếu chỉ có vết trắng trên mũi vẫn phải theo luật khí sắc mà đoán. Có điều vệt trắng trên mũi vào mùa thu vì hợp với thời tiết nên bớt xấu. Xanh đỏ đen cũng cứ như thế mà đoán.
Thế nào là lưu niên vận khí?
Vận khí là khí sắc hiện lên trên mặt. Đời người quý tiện tuy thuộc cách cục nhưng nhất thời cát hung thì thuộc khí sắc. Phàm diện bộ khí trệ sắc ám, dù cho tướng cách hay cũng vẫn cùng khốn. Nếu khí sắc sáng đẹp, dù cho tướng cách có dở cũng vẫn thông lọt.
Xem khí sắc lưu niên trên mặt để đoán biết thời vận trong một năm.
Vàng, hồng chủ cát (tốt lành).
Xanh, trắng, đỏ, đen chủ hung.
Nhưng nếu dầy kinh nghiệm và xem tướng đạt đến bực cao thì sẽ hiểu khí sắc có thể biến ra hung hoặc biến thành cát.
Lưu niên là kể từ một tuổi đến 100 tuổi. Tỉ dụ 1 tuổi đến 5 tuổi, xem ở thiên luân (vành tai). Từ 40 đến 45 tuổi, xem ở thiên căn và sống mũi. (Về lưu niên bộ vị xin xem tướng trong hình vẽ).
- Vận khí cực thịnh thì ấn đường, thái dương, đầu mũi đều ửng ánh vàng hồng, râu ria mượt bóng, tóc nhuận sáng. Cầu quan cầu lợi, việc nào cũng như ý.
Nhưng nếu lưu niên bộ vị chủ chốt lại có khí sắc xấu thì những ánh vàng hồng kia tốt giảm đi quá nửa.
- Khi nào vận khí thoái thì khí sắc chỗ khô, chỗ nhuận không đều, sáng không ra sáng, ám không ra ám, địa các thì sắc trắng, đầu mũi lại vàng hồng. Chỉ nên giữ gìn địa vị đã có, chớ vọng động.
- Vận khí lâu bền thì tai, lưỡng quyền, ấn đường suốt năm sáng rỡ không ám hãm, lòng bàn tay đỏ hồng. Mắt có thể kém tươi sắc, nhưng khí vẫn bằng bằng. Mọi việc vẫn phát đạt.
- Tụ sắc là sắc tốt nhất. Tụ sắc là sắc có khí mạnh làm cho sắc trở nên sống động, sắc mà vô khí là sắc chết. Tụ sắc trông nó phơn phớt ong ong, mâng mâng từ dưới da đùn lên, phơn phơn vàng non, tầng tầng hồng nhạt, nhẹ nhẹ xanh xanh.
- Sắc ám trệ nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, trong sáng tức là mắt có thủ thần, sắc mặt xanh u ám nhưng đầu mũi vẫn ong ong màu vàng, mặt đỏ nhưng dưới da có sắc vàng. Vận đang bỉ nhưng sắp bước qua vận tốt.
Diện sắc tốt nhưng hai mắt mờ đục, mặt hồng hào nhưng chốc chốc lại đỏ hoặc đen sạm, mặt ong ong vàng nhưng chốc chốc lại xơ xác tiêu khô, cứ một hai ngày lại biến mầu, mọi việc đều bất lợi.
Xem người già, xem huyết khí, không xem bộ vị, nếu da dẻ nhuận mịn màng, tóc râu óng mượt còn thọ, tiêu khô hết thọ.
Xem thanh niên lấy đầu mũi làm chuẩn, thấy hiện khí sắc vàng hồng là vận tốt. Ít hay nhiều tùy sự phối hợp với bộ vị.
Xem khí sắc muốn cho thật chuẩn xác thì phải xem buổi sáng lúc con người chưa ăn uống gì vì ăn rồi có thể làm sắc loạn.
1.Có tin tiền bạc từ xa tới, sắc đẹp tốt, sắc xấu hung.
2. Có sắc đỏ đi lên, bị nạn về việc công.
3. Màu đen nhạt ở phúc đường hay màu đỏ nhạt mà sắc không bóng bẩy, sẽ bị tổn thất nặng.
4. Có màu đen nhạt là chứng triệu nam nữ thông gian.
5. Trên mũi có vết gân đỏ như huyết, có thể bị thương rất nặng.
6. Bị trộm cướp
7. Có gân đỏ từ lỗ mũi ra trông như rễ cỏ thì hao tài rồi thảm bại.
1. Có một điểm vàng ở đây là vận khí sắp tốt trở lại, bệnh cũng khỏi.
2.Trán u ám như quả bưởi rám nắng, vận khí bĩ, người bệnh gặp sắc này bệnh nguy.
3. Có một điểm sắc đỏ ở đây, nên đề phòng hỏa ách.
4. Có sắc đỏ ở đây từ quyền cốt đùn ra, sắp làm ăn hùn hạp với người khác, thành hay bại còn tùy sắc trệ hay sáng.
5.Sắc ám đen nhạt ở đây, trong tâm địa cùng ai làm điều ác
1.Sắc đen nhạt đề phòng tai nạn.
2. Sắc đỏ hoặc đen nổi lên ở đây, nếu sắc trệ gặp lôi thôi
3. Sắc đen nhạt, âm đức hư hại nguy hiểm.
4. Sắc đen nhạt, trong nhà có người đau ốm.
5. Vành tai đen như cáu ghét, anh em khốn khổ, cuộc đời chính mình cũng chẳng ra sao.
6. Pháp lệnh có sắc đen nhạt, sắp bị người dưới, người hùn hạp phản bội.
7. Dưới môi đen nhạt, đề phòng bị nạn sông nước, nếu không thì đau thận.
1.Đen nhạt tai hại, vàng tốt
2. Đen ám đánh bạc thua, vạn sự bất thành
3.Đen ám chủ sầu não, vàng hồng cực tốt
4. Xanh hoặc đen từ đuôi mắt ra xuống quyền cốt, vợ gặp nguy hiểm chết chóc.
5. Sắc đen ở đây chớ tin người.
6. Sắc đen nhạt trong lòng lo buồn
7. Sắc đen hoặc đỏ đen, bị phiền vì người dưới làm bậy
8. Điểm đỏ gặp kinh sợ, đen nhạt tai nạn trong nhà. 
THÊM MỘT CÂU CHUYỆN VỀ KHÍ SẮC
Thuật xem tướng như chúng ta đã biết chia làm hai bộ môn: hình tượng và khí sắc.
Xem tướng khí sắc khó gấp bội hình tượng.
Hiện nay rất ít người đạt đến mức “thiện quan khí sắc”. Có chăng thì chỉ mới xem được sắc, chứ quan khí chưa chắc đã có.
Tượng dễ nhận hơn hình. Hình dễ nhận hơn sắc. Sắc dễ nhận hơn khí.
Nói về phép Vọng Khí đời Xuân Thu Chiến Quốc chỉ có hai người là Thúc Phục quan nội sử Chu triều và Cô Bố Tử Khanh, làm quan đại phu nước Tấn.
Lúc Triệu Giản Tử nắm đại quyền ở Tấn, một ngày Cô Bố Tử Khanh gặp Giản Tử để xem con cái Giản Tử sau này có nối được sự nghiệp cha ông hay không? Giản Tử lúc này quyền còn hơn cả vua nữa, nên có dã tâm muốn cướp ngôi.
Các con Giản Tử đứa nào cũng được Cô Bố lần lượt ngắm nghía nhưng đều lắc đầu chê chẳng có đứa nào đáng bậc tướng quân đả thiên hạ.
Giản Tử hỏi:
- Nếu thế họ Triệu tôi hết thời rồi sao?
Cô Bố nói:
- Lúc vào đây, tôi thoáng trông thấy một đứa nhỏ tướng cách vượt hẳn mấy đứa này.
Cô Bố tả hình dáng. Giản Tử cho gọi vào thì ra đứa bé ấy là con riêng của Giản Tử là Vô Tuất, do một tì nữ hạ tiện sinh đẻ cho nên Giản Tử không xem Vô Tuất vào hàng công tử.
Cô Bố xem tướng cho nó xong nói:
- Tôi chỉ thấy nó đáng bậc tướng quân thôi.
Triệu Giản Tử bảo:
- Mẹ nó là con tiện tì mà nó cũng có quý tướng sao?
Cô Bố đáp:
- Khí chất của nó bẩm thụ từ âm dương thiên địa, mẹ nó dù hạ tiện nhưng nó vẫn có quý khí.
Tin lời Cô Bố, từ đấy về sau, Giản Tử đàm đạo với các con để tìm ra đứa nào khả dĩ nối nghiệp mình.
Kết quả, Giản Tử nhận thấy Võ Tuất quả là thằng con thông minh nhất. Triều thị vốn là tôn thần của nhà Tấn, đời đời nối gót nhau ở ngôi vị khanh tướng nắm giữ đại quyền quốc gia. Cứ con trưởng thì được nối nghiệp cha. Trong trường hợp trưởng vô năng, cha có thể chọn trong đám con thứ đứa nào tài năng đức độ cho kế nghiệp.
Theo thường tình, tìm người nối dõi vẫn căn cứ vào sự yêu ghét. Riêng Giản Tử không lấy tình yêu ghét làm trọng, ông muốn chọn đứa con có tài.
Một hôm, ông tụ tập các con lại mà bảo chúng:
Cha có cái ấn ngọc dấu trên ngọn Thường Sơn. Các con đứa nào tìm được cái ấn ngọc ấy về đây, cha sẽ trọng thưởng.
Bọn chúng chia nhau đi tìm kiếm, suốt ngày chẳng ai tìm thấy ấn ngọc. Trở về, đứa nào đứa nấy mặt ngay đơ. Chỉ mình Vô Tuất nói:
- Con có tìm thấy ấn ngọc đó.
Giản Tử ngạc nhiên hỏi:
- Ấn đâu sao con không trình ra.
Vô Tuất điềm nhiên thưa:
- Khi con lên đỉnh Thường Sơn tiếp cận với Đại Quận, con thấy có thể dùng Thường Sơn làm bàn đạp đánh chiếm Đại Quận.
Giản Tử vừa ngạc nhiên vừa sung sướng. Đúng rồi, thằng Vô Tuất mới thật là đứa con xứng đáng nối nghiệp. Đại Quận là nơi hiểm yếu của thế quân sự thời bấy giờ, chỉ ở Thường Sơn mới mong tấn công vào Đại Quận. Thằng bé đã sớm có con mắt quân sự thật tinh tường.
Giản Tử quyết định bỏ Bá Lỗ để đặt Vô Tuất vào ngôi thái tử.
Khi Giản Tử chết rồi, Vô Tuất đánh chiếm Đại Quận dương danh thiên hạ. Thời thế thay đổi, Vô Tuất tranh thiên hạ với Hàn Ngụy và lập nên nước Triệu và làm vua nước Triệu.
Một đứa nhỏ hình tượng sắc còn nhiều biến hóa nên chỉ có quan khí mới có thể đoán ra như Cô Bố Tử Khanh được.
TƯỚNG LỤC ÁC, LỤC TIỆN, THẬP SÁT, THẬP ĐẠI THIÊN LA CỬU ĐẠI KHÔNG VONG
Tướng lục ác (sáu cái ác) gồm có:
Dương nhãn (mắt con dê) nhìn ngạo ngược là người bất nhân.
Thần bất hô sỉ (môi không che được răng) là người bất hòa. (Nếu hô răng phải đâm xuống đều thì chất phác, răng đâm ngang hay ngưỡng lên, cực đểu giả).
Yết hầu (lộ hầu) dễ chiêu tai ách.
Đầu tiểu (dầu nhỏ) nghèo mạt vô lộc. - Tam đình bất quân (tam đình không đều) nghèo hèn.
Xà hành tước dược (đi oằn oèo như rắn, dướn dướn như chim sẻ nhẩy), bôn ba nghèo khổ.
Thơ rằng:
Lục ác chỉ nhân tính phi thường
Tâm như xà yết độc như lang
Như thử chỉ tướng hưu vấn phúc
Chung tửu vô phòng hữu họa ương.
nghĩa là:
Những người có tướng lục ác, tâm địa như rắn rết.
Có tướng đó là vô phúc thế nào cũng gặp tai ương.
Tướng lục tiện (sáu hạ tiện) gồm có:
- Không biết xấu hổ liêm sỉ.
- Trước việc hay cười ngây (si tiếu).
- Không biết tiến thoái.
- Tướng lùn bé, ưa đùa cợt. - thích khoe mình.
- Luôn luôn nói theo người khác.
Tất cả đều tiểu nhân.
Tướng thập sát đều có:
- Mắt như say rượu.
- Không có ai mà cứ nói một mình.
- Không có đờm mà nhổ hoài.
- Mắt đỏ dữ dằn.
- Tinh thần hôn trọc.
- Tiếng nói như sài lang.
- Có râu mà không ria.
- Cứ ăn là đổ mồ hôi.
- Mũi hếch.
- Người hôi hám.
Tướng thập sát dễ bị phá hoại, đau buồn, tai ương.
Thơ rằng:
Thập sát hình tướng tối khả lân
Bất hại kỷ thân hại lục thân
Nhãn tiền sán thực tuy tự cấp
Chỉ khủng nhật hậu thụ cô bần.
Nghĩa là: tướng thập sát thật đáng thương. Nếu không hại bản thân mình cũng hại cho người thân. Ăn uống hôm nay no đủ, nhưng mai lại thiếu thốn.
Cửu đại không vong gồm có:
- Trán nhọn là thiên không, vô quan vận, phá gia nghiệp, thiếu niên bất lợi.
- Cằm nhọn là địa không, tuổi già cô độc, vợ chồng chia cách, làm việc hay hỏng.
- Mũi lộ hếch là nhân không, trung niên phá bại, làm ăn vất vả.
- Sơn căn thấp hãm, vợ chồng anh em ghét bỏ, tình cốt nhục hủy hoại.
- Mặt không thành quách (không vuông vắn có bờ) vạn sự hư hao, có đấy rồi mất ngay đấy.
- Tóc ngăm khô mà quăn, tính tình cương ngạnh, con gái thường khắc phu.
- Lệ đường thâm hãm, hình thê khắc tử, suốt đời lo âu.
- Mắt không thần quang, ngu và yếu, dễ làm hỏng việc.
- Không có lông mày (hoặc lông mày quá nhạt) cô độc vất vả.
Thơ rằng:
Không vong nhân tướng tối kham liền
Túng hữu kỳ tài bất chu tiền
Nhất sinh sai thố vô kết quả
Tổng nhân tiền duyên giữ hậu duyên.
Nghĩa là: Những người có tướng không vong dù là bậc kì tài cũng khó thành đạt. Ấy là bởi tiền duyên tiền kiếp vậy.
Tướng thập đại thiên la gồm có:
- Đầy mặt sắc đen là tử khí thiên la.
- Đầy mặt sắc trắng đục là tang khốc thiên la.
- Mặt xanh lét là ưu trệ thiên la.
- Mặt vàng lè là tật bệnh thiên la.
- Mặt như bôi mỡ là hư hoa thiên la.
- Mắt đảo lộn trông nhanh là gian dâm thiên la.
- Mắt khô như hơ lửa là quan ti thiên la.
- Mặt như say rượu chưa tỉnh là hình ngục thiên la.
- Đầu mũi lấm chấm như bám ghét là thoái bại thiên la.
TAM HÀN VÀ TỨ THẬP NHẤT KỴ
Tướng cô hàn của mỗi người rõ rệt nhất có ba điều, sách tướng gọi đó là tam hàn.
Thứ nhất là mi hàn:
Người mang tướng mi hàn lúc nào lông mày cũng cau lại, đăm chiêu tư lự, tướng mi nhăn nhúm líu díu với nhau.
Thứ hai là thanh hàn:
Người mang tướng thanh hàn khi nói như khúc xương chẹn ngang cổ họng, nói không ra lời.
Thứ ba là cân hàn:
Cân là gân, người mang tướng cân hàn hay ngồi co ro, rụt đầu, co lưng, so vai, bó gối mặc dầu trời nóng bức, rét ở trong rét ra.
Phàm ba tướng trên đây dù diện mạo đẹp tốt cũng khó lòng phấn phát.
Viên Liễu Trang thu thập biên thành 41 kỵ tướng cho đàn ông gồm có:
- Đầu kỵ lệch nhỏ – Tóc kỵ thô nặng – Mi kỵ quặp xuống – Tai kỵ nở hoa – Con ngươi kỵ lộ – Sống mũi kỵ bẹp – Sống mũi kỵ gãy khúc – Đầu mũi kỵ nhọn – Cằm kỵ nhọn – Lỗ mũi kỵ hoác – Cánh mũi kỵ mỏng – Nhân trung kỵ có vết – Miệng kỵ dúm dó - Hàm kỵ vát – Cổ kỵ lộ cốt – Trán kỵ mọc lông – Ngực kỵ gồ lộ – Lưng kỵ có rãnh - Vú kỵ trắng bệch – Bụng kỵ to bên trên – Đầu gối kỵ lệch lẹo – Mắt chân kỵ lộ gân - Bắp chân kỵ quắt queo – Ngón tay kỵ thô cứng – Đầu kỵ teo tắt – Tiếng nói kỵ thấp nhỏ – Cánh tay kỵ lộ cốt – Bàn tay kỵ mỏng dẹp – Ngón tay kỵ dài mà cong queo - Răng kỵ nhỏ thưa – Bước đi kỵ như rắn trườn – Tinh thần kỵ ô trọc – Sắc kỵ nhờn như dầu – Thở kỵ thô tục – Thịp kỵ nhẽo nổi – Tai kỵ thô – Máu kỵ ám trệ – Tóc kỵ lởm chởm như bụi cỏ – Rốn kỵ ví trí quá thấp và đổ xuống.
VẤN ĐỀ KHẮC PHỤC ÁC VẬN
Ác vận là những khoảng thời gian bất như ý trong đời người lao đao, tai nạn, thiếu tiền, thất bại.
Nhân sinh bất đắc ý sự thường bát cửu, nghịch cảnh bao giờ cũng nhiều hơn thuận cảnh.
Lão Tử chẳng đã nói:
- Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu.
Cuộc đời như cụ Nguyễn Gia Thiều tả:
Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ
Đường thế đồ gót rỗ khi khu.
Thuận cảnh chỉ có thể gặp chứ không thể tìm hay cầu xin (khả ngộ bất khả cầu).
Không Tử bảo rằng nếu như có thể cầu được phú quý thì ta bằng lòng làm tên chăn ngựa.
Nghịch cảnh theo tướng pháp tuy không ngăn cản được nó nhưng có thể khắc phục được nó phần nào.
Tại sao?
Câu tục ngũ “Họa tòng khẩu xuất, đa ngôn đa quá”, có ý nói nếu kìm giữ mồm miệng thì đỡ phiền lụy, điều này đâu phải không có lý?
Kế cuối của 36 Kế là Tẩu vi thượng sách.
Chạy, chờ thời không xuẩn động là một hành vi khắc phục ác vận trên chính trị.
Căn cứ vào triết lý nhân sinh thì thuận cảnh hay nghịch cảnh đến với người ta qua 4 nguyên nhân:
a) Do thiên tai chi họa, họa gây nên bởi hiện tượng tự nhiên: lụt lội, hạn hán mất mùa, núi đổ, dông bão, tai nạn.
b) Do con người không thích ứng được với hoàn cảnh tự nhiên, với chế độ xã hội, với cuộc sống mới.
c) Do sự tranh sống tương tàn tương sát.
d) Do cá nhân dục vọng quá nhiều đến nỗi bị sa lầy như mê cờ, mê bạc, tự tử hay vong gia bại sản vì gái.
Nếu nhân loại không khắc phục được thiên tai nhân họa, kiến lập xã hội mới, chế ngự dục vọng quá nhiều thì đương nhiên nghịch cảnh nhiều hơn thuận cảnh.
Thế cho nên mới có thể nói rằng:
“Tam phần nhân sự thất phần thiên”.
Ác vận tới, con người khả dĩ khắc phục ác vận để giảm bớt mũi nhọn của ác vận.
Vô luận bọn dung tục phàm phu hay anh hùng hào kiệt ai ai cũng đều có thể nghịch cảnh và thuận cảnh. Mỗi người đứng một chỗ khác nhau nên Sở Ngộ không thể giống nhau.
Sinh ra đời vào lúc thái bình thịnh thế tất cuộc sống đỡ bấp bênh chìm nổi.
Sinh ra đời gặp lúc tao loạn nhiễu nhương tất cuộc sống đầy bất trắc.
Là con cái nhà phú hào thì thành thiên kim tiểu thư và công tử ấm sinh. Là con nhà nghèo đói thì luốc lem, rách rưới.
Đêm qua vừa được nói chuyện với tình nhân sáng ngày tỉnh dậy, vũ trụ nở muôn hoa. Tối hôm trước bị chó cắn sáng ngày tỉnh dậy đau đớn u sầu. Nghịch cảnh với thuận cảnh thật thiên hình vạn trạng. Đối với việc khắc phục ác vận nhà triết học Nietzsche chủ trương sức mạnh của nghị lực (volonté de puisssance) dũng cảm xông pha tạo thành con người siêu nhân. Nó cũng là triết lý lạc quan của hầu hết người phương tây mà sau này ta thấy ở các tác phẩm của Joseph Conrad, Jack London, Hemingway v.v…
Ngược lại với triết lý lạc quan siêu nhân ấy là tâm tư Kafka.
Còn ở phương Đông thì không bao giờ quên cái lẽ tùy thời, thời hành tắc hành thời chỉ tắc chỉ. Khắc phục ác vận là tiến thoái tồn vong cho nó hợp với cảnh ngộ.
Tướng pháp đề ra hai cách:
Xử thế thoái nhất bộ vi cao (xử thế lùi một bước là khôn).
Thiên bạc ngã dĩ phúc, ngô hậu ngô đức dĩ bồi chi (Trời làm mỏng phúc phận của ta, ta làm dày công đức để bù lại).
Suy ngẫm hai cách trên đây sẽ thấy cái triết lý nhân sinh của tướng mệnh học thật là thâm thúy vậy.
Thoái nhất bộ để tìm hiểu nguyên nhân thất bại rất cần thiết cho việc bầy keo khác.
Hậu ngô đức cốt để tranh thủ sự trợ lực của nhân tâm mà thực hiện phương châm lợi nhân tức là nền móng thực sự vững của lợi kỷ.
Ác vận ở đâu đến?
Để trả lời xin đọc một bài phú của Trần Di Hi:
Xét tâm thấy ngay kẻ thiện người ác
Nhìn hình có thể biết họa phúc
Ăn ở bất công con cháu vô lộc
Ngôn ngữ phản phúc sẽ chết vì phản phúc
Len lét, giâu giấu loại gian tham
Phổi bò ruột ngựa chẳng đáng anh hào
Tâm bình khí hòa con cháu tôn vinh
Tính chấp nhất tài thiên lệch thường gặp đại họa
Vô tình bội bạc dễ bần cùng
Luôn luôn nhớ gốc được nhiều dịp may
Trọng giàu khinh nghèo loại bất nhân
Kính già yêu trẻ tương lai tốt đẹp
Hay nói liều khó có tuổi thọ
Vong ân lại hay nhớ tiểu oán công danh nan thành
Đại phú đại quý không làm động tâm, phúc thọ vô cương
Lừa dối lừa gạt dù cho giàu sang cũng sớm tàn
Công bình chính trực chết làm thần
Mê hoa luyến tửu khổ vợ con
Chỉ biết lợi mình mà hại người, con cái bất hiếu
Ngu si ăn nói cục cằn khinh bạc, suốt đời bần cùng
Thông minh ngôn ngữ văn nhã thường dễ thông lọt
Trong lúc hoạn nạn biết tự thủ, chịu đọc sách
Có thể là trụ thạch triều đình
Hà tiện, chịu khó sẽ tiểu phú quý nếu có đởm lượng.
Xa xỉ, hoang tàn có thể là kỳ nhân nếu tài ba lỗi lạc
Làm chậm mà chắc không vội vã, người đáng tin cậy
Làm nhanh mà sáng suốt người tài cao tảo phát
Tri túc và tự mãn là hai thái độ khác nhau
Một kiêu căng nên tai họa, một khiêm nhường nên đắc phúc
Tài lớn với tài vặt không giống nhau
Một xông xáo hay thất bại, một ẩn trọng nên công thành
Quá cương việc thành nhưng dễ gặp họa
Quá nhu mọi sự khó thành nhưng sống yên ổn
Ở chỗ vui mà lộ vẻ buồn nhất sinh tân khổ
Lúc đang giận mà cười là gian tà thủ đoạn
Ưa khoe tài, khoe giỏi, lật đật đường công danh
Thích chê bai luôn luôn bị ghét
Chỉ trách người mà không trách mình loại khó chơi
Công cho người, lỗi mình nhận, mới là bạn tốt
Uốn ý mình cho việc đời được chu toàn, hậu vận hay
Cứ ý ta xông bừa bãi rồi sẽ gặp hung vong
Mặt dễ biến sắc, bạc phước
Kiên trì, nhẫn nại, hanh thông
Mừng giận vô lối, nhất sự vô thành
Chửi chê, không đâu tri giao đoạn tuyệt
Giúp người nghèo, đỡ người hoạn, tuy bây giờ nghèo nhưng phúc ở trời giáng xuống
Cam chịu bị người lừa dối, có con hốt nhiên đại phát
Thường nghĩ đến sự nhường một bước, cả đời an lạc
Hỷ nộ bất bình ư sắc thành danh còn lập đại công
Tuy nhiên kẻ đại gian cũng hỷ nộ bất bình hư sắc
Bị kiếm đâm dao chém bởi vì người quân tử quá cương cường và kẻ tiểu nhân tự đắc
Gieo mình xuống sông, thắt cổ tự ải bởi vì con trai
Tài kém gặp hiểm nguy, con gái khí thịnh mà bị áp bức
Tại sao đoản triết thân vong?
Tại nói lời bạc, làm điều bạc, lòng bội bạc sử sự bạc bẽo
Tại sao hung tai ác tử?
Vì đã âm tư hành động lén lút.
Tại sao về già không con nối dõi?
Vì tính tình quái dị, cô độc
Tại sao thành niên chôn con?
Vì tâm địa độc ác
Tại sao bị bệnh tật chết mau?
Vì sắc dục không hư.
Tại sao được bái tướng phong hầu?
Vì hoài bão cát trí trùm thiên hạ
Tại sao được ở nhà ngọc, cưỡi ngựa vàng?
Vì hành động thanh nhã, hình dung tú lệ.
Tại sao chỉ làm anh lại quèn?
Vì khí tướng tầm thường, gan dạ nhỏ bé
Họa phúc chẳng qua chỉ bởi người gọi đến, thiện báo ác báo như bóng theo hình, trồng đậu nên đậu trồng dưa thành dưa.