Ý nghĩa và Quan niệm về Ma trong Phật giáo
Có Ma hay không có Ma ? Ma là gì ? Ma ở đâu ? Ma có làm hại được ta hay không ?
Phải trừ Ma như thế nào ?... Đó là những câu hỏi có thể nêu lên cho mỗi người trong chúng ta, vì có thể có người chưa hề « gặp ma » bao giờ, nên tò mò cũng muốn biết xem Ma ra thế nào, hoặc có người đã từng « thấy ma » nên vẫn còn bị Ma ám ảnh và muốn biết xem cái thấy của mình, hay là cái con Ma họ thấy có thật hay không. Vậy ta hãy xem quan điểm của Phật giáo về Ma
Tìm hiểu định nghĩa của Ma trong kinh sách Ma là gì ? Chữ Ma do chữ Phạn Mâra mà ra. Tiếng Tây tạng là bDud, người Nhật cũng gọi là Ma hay Hajun, tiếng Hán là Mo hay Mó, nhưng người Trung quốc thường âm từ tiếng Phạn và gọi là Ma-la, vần r không có trong tiếng Trung hoa nên người Trung hoa thường gọi là Ma-la thay vì là Ma-ra. Kể dài dòng ra như thế để thấy rằng không phải chỉ có người Việt Nam ta mới « thấy » Ma. Kinh sách định nghĩa chữ Ma (Mâra) là « Quỷ sứ cám dỗ », một thứ « Quỷ tinh ranh » tượng trưng cho những xu hướng tâm thần bấn loạn và lầm lẫn, cản trở con đường tu tập của một hành giả. Phổ diệu Kinh (Latitavistara), là bộ kinh kể lại cuộc đời của Đức Phật, cho biết Ma
đã từng dùng mọi xảo thuật ma quái để quấy nhiễu và cản trở không cho
Vị Phật tương lai là Đức Thích-Ca Mâu-Ni đạt được Giác ngộ. Trong đêm
trước khi Ngài thành Phật, Ma dẫn ba con ma nữ đến quyến rũ Ngài, lại đưa ma quân đến
để ném đá như mưa vào Đức Phật. Tên cầm đầu đòi Đức Phật phải nhường
ngai lại cho hắn, vì hắn nhất định bảo rằng không có gì chứng thực Phật
đã đạt được Giác ngộ. Phật liền dùng tay phải chạm xuống mặt đất, mặt
đất liền bị chấn động và rung chuyển ầm ầm, chứng minh cho sự Giác ngộ
đích thực của Ngài. Cả đàn Ma liền biến mất như bị phù phép vậy. Như vừa kể trên đây, nếu ta có ma quân…thì ta cũng phải có tên cầm đầu tức là Ma vương. Ma vương cũng là cách dịch khác của chữ Mâra. Ma vương là Vua các loài Thiên ma, ngụ ở cảnh trời gọi là Tha-hoá Tự-tại thiên (Paranirmitavasavartin), tức là cảnh trời thứ sáu trong cõi Dục giới, một cảnh giới thấp nhất trong Tam giới. Ma vương có phép thần thông, chuyên dùng ma thuật để phá rối, ngăn cản sự tu tập của những vị Bồ-tát. Ma vương còn có tên là Ma vương Ba-tuần, tức là tên của Tha-hoá Tự-tại thiên vương. Vậy theo Kinh sách, có bao nhiêu thứ Ma tất cả ? Thật ra Ma nhiều lắm, nhưng tựu trung được phân loại ra làm bốn thứ. Có vài khác biệt trong cách định nghĩa của bốn loại Ma giữa Thừa Kinh điển (Sutrayana) và Kim cương thừa (Vajrayana). Vì thế nếu đem cộng lại sẽ có đến tám thứ Ma (Bát ma). Theo Thừa Kinh điển (Sutrayana) có bốn loại Ma (Tứ ma) là : 1. Ma cấu hợp (Skandhamara) : đó là thứ ma quái làm cơ sở cho khổ đau và cái chết mà ta phải gánh chịu trong cõi luân hồi. Con ma đó gọi là « con ma gánh chịu cái chết ». Kinh sách tiếng Hán gọi là Ấm ma, Uẩn ma, hay Ngũ chúng ma. 2. Ma dục vọng (Klesamara) :
bao gồm những dục vọng, ham muốn, thèm khát, xui khiến ta phạm vào
những hành vi tiêu cực, tạo ra nghiệp xấu, thu ngắn kiếp nhân sinh, đưa
ta vào vòng khổ đau của cõi luân hồi. Đó là « con ma đưa đến cái chết », kinh sách gốc Hán gọi là Phiền não ma. 3. Ma thần chết
(Mrtyumara) : đó là sự hủy hoại, cứu cánh tất nhiên của sự sinh, hậu
quả của bản chất cấu hợp của mọi hiện tượng, tức là quy luật Vô thường. Con ma này có tên là « con ma vô thường », kinh sách tiếng Hán gọi là Tử ma. 4. Ma con trời
(Devaputramara) : bao gồm những thứ ma làm cho ta đãng trí, phân tâm,
xúi dục ta bám víu vào ảo giác bên ngoài làm cản trở sự tu học. Đó là « con ma bấn loạn », kinh sách tiếng Hán gọi là Tha-hoá Tự-tại Thiên tử ma, gọi tắt là Thiên ma, tức thần thánh tay sai của Thiên-hóa Tự tại vương. Theo Kim cương thừa (Vajrayana) tứ Ma lại được định nghĩa khác hơn 1. Ma xiềng xích (tiếng Tây tạng : thogs-bcas-kyi bdud) : con Ma này rất hung tợn và lộ liễu, gây ra phiền não, binh tật và chướng ngại bên ngoài. Đây là con Ma của sự bám víu và ghét bỏ
đối với những vật thể và hiện tượng chung quanh. Con ma này luôn luôn
tìm cách trói buộc ta vào những thứ ấy. Kinh sách tiếng Hán gọi con ma
xiềng xích là Phiền não ma. 2. Ma thả lỏng
(tiếng Tây tạng : thogs-med-kyi bdud) : đó là ba thứ nọc độc chính và
năm thứ nọc độc phụ, tức là những dục vọng chính yếu và thứ yếu, những
tư tưởng hay tư duy bấn loạn chưa được khắc phục, xâm chiếm tâm thức ta
và gây ra khổ đau cho ta. Kinh sách gốc tiếng Hán gọi con ma này là Tâm ma. 3. Ma khánh hỷ
(tiếng Tây tạng : dga’-brod-kyi bdud) : đó là con ma đội lốt hân hoan,
vui thích, thỏa mãn với chính mình, xem ta hơn cả mọi người, xúi dục ta
bám víu vào những « kết quả » và « kinh nghiệm » thiền định đã thực hiện
được và cho đấy là cao siêu, rồi trở nên hãnh diện, không chịu cố gắng
tu tập thêm. Kinh gốc tiếng Hán gọi là Thiện căn ma. 4. Ma kiêu căng
(tiếng Tây tạng : snyems-byed-kyi bdud) : đó là con ma ngạo mạn, tự
mãn, tự kiêu, tự đại. Đấy là bản chất căn bản của con ma mang tên là cái
« ta », cái « tôi », cái « ngã ». Kinh sách gốc tiếng Hán gọi là Tam muội ma. Có sách (kinh Hoa nghiêm sớ sao) còn phân chia Ma ra làm mười thứ gọi là Thập ma, trong số mười loại ma này nhiều thứ đã được liệt kê trên đây, tuy nhiên cũng xin kể ra hết theo thứ tự như sau: Uẩn ma Phiền não ma Nghiệp ma : tức các nghiệp tiêu cực ngăn trở việc tu tập. Tâm ma Tử ma Thiên ma Thiện căn ma Tam muội ma Thiện trí thức ma :
tức là những kẻ thông hiểu được đạo lý, nhưng vì ích kỷ tham tiếc đạo
lý ấy mà giữ riêng cho mình, chẳng chỉ dạy cho kẻ khác. Những kẻ như thế
cũng được xem là một loại ma.10. Bồ-đề Pháp-trí ma : là những kẻ tuy đã phát lộ được trí tuệ, nhưng vẫn còn chấp trước không quán thấy được chính đạo. Đã nói đến danh từ và định nghĩa thì cũng mạn phép kể ra thêm : Ma cảnh : khung cảnh do ma quái tạo ra để phỉnh gạt và ngăn trở người tu hành. Ma chướng : những chướng ngại, ngăn chận việc tu hành và sự thăng tiến của trí tuệ. Ma duyên : còn gọi là ác duyên, tức là những xui khiến đưa đến nghịch cảnh, bất lợi hay độc hại. Ma đàn :
là sự bố thí của ma, không phải là của người. Đó là sự bố thí của những
kẻ mang lòng tà, lòng tham, cầu danh, cầu lợi mà bố thí, sợ oai lực của
ma quỷ mà bố thí, muốn tránh tại nạn mà bố thí. Loại ma này nhan nhãn
chung quanh ta, rất dễ thấy, không cần đến « kính chiếu yêu ». Chữ Ma đàn nghịch nghĩa với chữ Phật đàn,
tức là bố thí mà không biết là đã bố thí, không biết bố thí cái gì và
bố thí cho ai, bố thí chỉ vì lòng từ bi vô biên mà thôi. Bố thí như thế
còn gọi là Bố thí Ba-la-mật. Ma đạo : đường đi của ma, chốn lui tới của ma, còn gọi là ma giới, tức cảnh giới của ma. Ma lực : sức mạnh tiêu cực, kích động những hành vị xấu hay hung ác. Ma ngoại : là những kẻ phỉ báng, chê bai Đạo pháp. Ma Phạm : (Mâra hay Brâma) tức là Ma vương ở cõi Phạm vương, gọi tắt là Ma Phạm. Chữ Ma vương đã được giải thích trên đây, đó là Thiên-hoá Tự tại vương, còn Ma Phạm hay Phạm vương hay Phạm thiên vương (Mahabrahma) là vị Chúa tể của cõi Ta-bà, quyền lực của Ma Phạm hay Phạm thiên vương vượt lên vị thế cao nhất trong cõi Dục giới, cai quản và điều hành cả thế giới này. Kinh điển gốc Hán gọi « Ngài » là Ngọc Hoàng Thượng đế. Ma thiền Ma thuật : nói chung là những hành vi mê tín, dị đoan, phản khoa học. Ma sự : ý nghĩa của ma sự khá rắc rối, đại cương là những sự việc, những hành vi sai lầm, ngăn cản sự tu học trên con đường chánh Pháp. Những người thực thi ma sự có thể xem như những con ma chạy theo lục trần :
yêu sắc đẹp, thích tiếng êm tai, ưa thích mùi thơm, miếng ngon, thích
đụng chạm và sờ mó những gì ưa thích, ước mong những cảnh huống tiện
nghi sang trọng. Ma sự cũng là những cám dỗ kích động người tu hành phá giới, chạy theo danh lợi, sắc dục. Ma sự
cũng có thể dùng để chỉ người ngồi thiền u mê và ngủ gục, hoặc trụ vào
những cảnh hiện ra khi thiền, hoặc cảm thấy bấn loạn trong tâm thức,
thấy cảnh dữ mà bỏ thiền... Ma sự cũng dùng để ám chỉ những người
đã xuất gia tu hành nhưng còn ham thích luận bàn thế sự, chiến tranh,
tình yêu nam nữ, hoặc xu nịnh bọn cư sĩ và bá tánh lui tới chùa có nhiều
của cải, cúng dường nhiều, hoặc vướng vào phép bói toán, đoán số mệnh,
ếm ma, trừ quỷ…Vậy Ma thực sự là gì ? Ma hay Mâra
là một biểu tượng trong Phật giáo và cả Ấn độ giáo, dùng để chỉ một vị
trời hay vị thần đứng vào hàng đầu, cao siêu và mạnh hơn hết, giống như
định nghĩa của chữ Ma Phạm vừa nói trên đây. Tên của Ma có nghĩa là thần chết. Ma là
chúa tể của mọi dục vọng, thèm khát, ham muốn, mọi thứ khoái lạc do
thân xác. Đó là Chủ nhân ông của thế giới vật chất và hiện tượng. Trọng
trách và bổn phận của người Chủ nhân ông này là phải điều khiển và canh
chừng sự vận hành của thế giới đang diễn biến chung quanh ta. Ma không
những tượng trưng cho dục vọng hiển hiện như vừa kể mà còn tượng trương
cho những thèm khát tiềm ẩn bên trong ta, không bộc lộ ra ngoài, chúng
thuộc về bản năng, có thể phát sinh từ tâm thức mặc dù rất tinh khiết,
hoặc từ những nghiệp sâu kín và những cấu hợp của thân xác. Con Ma này nằm trong da thịt của ta, trong tâm thức ta, trong sự vận hành của cơ thể ta. Ma còn mang một cái tên nữa mà Kinh sách ít nói đến, đó là con ma Ái dục (Kâma, xin đừng lầm lộn với karma), đó là sự yêu mến, lòng yêu thương, nói nôm na là tình yêu. Con ma Ái dục ấy là một thứ bản năng, tinh anh của sự sống, luôn luôn « canh chừng » và « chăm lo » cho ta rất cẩn thận. Con Ma đó
hiển hiện một cách tuyệt vời, thật đẹp, nó làm phát sinh ra mọi hình
tướng, màu sắc và âm thanh đủ loại. Con ma đó hiến dâng cho ta những ảo
giác biến động như vửa kể do chính nó tạo ra, kèm theo mọi thứ lạc thú
và mọi cảnh giới tuyệt đẹp thuộc vào thế giới luân hồi, và tạo ra mọi
thứ hạnh phúc của thế tục. Vấn đề mấu chốt và gay go là Ma không
bao giờ chú ý đến hậu quả của những thứ mà nó đã tạo ra. Nó rất hào
phóng, cho không tiếc tay, « tham » bao nhiêu nó cũng cho, « yêu » bao
nhiêu nó cũng khuyến khích thêm, « bám víu » bao nhiêu nó cũng sẵn sàng
tiếp tay. Nhưng hậu quả của những ảo giác ấy mà Ma đem tặng cho ta chỉ là khổ đau mà thôi : cướp giật, mưu mô, thất tình, tự tử, lường gạt, đâm chém… Những khổ đau ấy Ma không cần biết. Ma cho ta lạc thú, nhưng đồng thời cũng tập cho ta thèm khát lạc thú. Điều này có nghĩa là Ngũ uẩn quen dần với với những lạc thú, lệ thuộc vào lạc thú và bị kích động bởi lạc thú. Ma vừa là Kẻ sáng tạo và đồng thời cũng là Kẻ phá hoại là như thế đó. Khi nhìn Ma dưới khía cạnh này, ta sẽ hiểu ngay là ma ở đâu. Ma ngự trị chính trong đầu của ta. Ma nằm sẵn trong tâm thức ta, trong da thịt ta, trong sự vận hành của thân xác và tâm trí ta. Nói cách khác Ma không nằm bên ngoài ta, không có ta thì cũng không có Ma. Ma quân
hay những đạo binh ma chính là sự thèm khát nhục dục, thất vọng, buồn
bực, đói khát, bám víu, tham lam, chiếm giữ, lười biếng, đờ đẫn, sợ hãi,
nghi ngờ, hận thù, tiện nghi, kiêu căng, tự phụ, yêu thương một cách
ích kỷ, tự mãn với cái « tôi » của chính mình v.v. và v.v. Tất cả những thứ này được Kinh sách phân ra làm tám thứ hay mười thứ ma : Uẩn ma, Phiền não ma, Tử ma, Thiên ma, Tâm ma, Thiện căn ma, Tam muội ma…như đã đề cập trong phầntrên đây. Nhưng nếu suy nghĩ sâu sa thì ta sẽ thấy Ma nhiều hơn, đông đảo hơn như thế nữa, Ma hiển hiện cùng khắp trong thế giới luân hồi này. Trên đây là những gì Kinh sách nói về Ma, định nghĩa về Ma. Dựa theo đó ta có thể phân loại và tổng kết thành ba loại như sau :
- ma tượng trưng những cấu hợp do nghiệp của mỗi cá nhân hay những cảnh
huống bất lợi xảy ra bên ngoài: chẳng hạn như ma nghiệp, ma duyên, uẫn
ma, ấm ma, ngũ chúng ma, ma chướng, ma cảnh, ma đạo, ma duyên…
- ma tượng trưng cho những hành vi sai lầm hay bất chính : ma phiền
não, ma khánh hỷ, ma kiêu căng, thiện ma, tâm ma, tam muội ma…
- ma tượng trưng cho những chúng sinh thực thi những hành vi sai lầm,
tai hại : chẳng hạn như ma phạm, ma vương, những người thực thi ma sự,
ma thuật… Điều lạ là kinh sách nhiều vô
kể nhưng ít thấy nói đến những con ma có thể làm cho ta dựng tóc gáy,
hét lên và phóng chạy, hoặc làm cho người ngủ mê kêu ú ớ, tay chân lạnh
ngắt và toát mồ hôi đầm đìa. Ta thử tìm hiểu loại ma này xem sao.Một thí dụ cụ thể về Ma Để
tránh cách nói tổng quát, siêu hình như trên đây, ta thử đưa ra một vài
thí dụ thực tiễn hơn, đơn giản hơn vể những con ma thường hiện ra dọa
nạt những con người bình dị như chúng ta đây, kể cả trẻ con cho đến
người lớn. Chẳng hạn khi ta bước vào một căn phòng tối, ta thấy trong
một góc phòng có một con Ma, tóc xõa, mặt xanh mét, đang nhe răng
trợn mắt,… và cười với ta một cách thật rùng rợn. Nếu ta bình thản, từ
tốn, không khiếp sợ, tiến thẳng đến con Ma, ta sẽ không thấy nó
khi ta đến gần. Vì đấy chỉ là những ảo giác do ta tạo ra trong đầu hay
do bóng tối mờ ảo nuôi thêm trí tưởng tượng của ta. Nếu như ta vẫn
« không dám » tiến đến gần, ta cứ bật đèn lên, thì con Ma cũng biến mất. Nhưng nếu ngược lại, ta hét lên một tiếng, « vắt giò lên cổ » mà chạy, thì nhất định con Ma sẽ đuổi theo, và nhất định ta sẽ không thể nào chạy nhanh hơn nó được, vì chính ta cõng nó mà chạy. Nó ở trong đầu của ta, trong thân xác đang « nổi da gà » của ta.
Tệ hơn nữa, có thể sau đó ta lại đem chuyện « thấy ma » ấy mà vừa thở
hổn hển, vừa kể như thật với người khác, tức là ta giới thiệu con Ma mà ta thấy cho một người thứ hai. Người này có thể vừa thích thú vừa sợ sệt mà đón rước nó, đem cất giữ nó vào trong đầu. Người này lại kể cho người thứ ba, người thứ ba lại kể cho người thứ tư. Mỗi lần như vậy thì con ma mà
ta thấy trước đây lại trở nên hung tợn hơn và khiếp đảm hơn một chút,
mắt nó trợn to hơn, răng nó dài hơn, và nó cười rùng rợn hơn. Biết đâu
sau một vòng, người nghe sau cùng lại vô tình kể lại cho ta nghe về con
ma ấy, có thể ta còn sợ nó hơn cả con ma mà chính ta đã từng thấy
« thật » trước đây. Phật có đưa ra một
thí dụ dễ hiểu. Khi bước ngang ngưỡng cửa lúc nhá nhem tối, ta thấy một
con rắn. Ta hoảng hốt và giật lùi lại. Nhưng nhìn kỹ thì đấy chỉ là một
cuộn dây thừng. Con rắn ở trong đầu ta. Con Ma cũng ở trong đầu ta là như vậy. Khi ta ngủ mê, ta thường chiêm bao « thấy ma ». Ta hét lên hay la ú ớ…Giật mình thức dậy, ta không thấy con ma nào
cả. Khi ngủ, ta nhắm mắt, nằm trên giường và trong gian phòng tối om,
làm gì ta có thế dùng mắt mà thấy được. Cái thấy ấy là do tâm thức của
ta thấy, hình ảnh con ma hiện lên từ tiềm thức ta, từ nơi a-lại-da-thức (âlayavijnâna)
của ta, sinh khởi từ những xúc cảm bấn loạn và tiềm ẩn trong ta, từ
những nghiệp sâu kín của ta, từ những ám ảnh bịnh hoạn của ta, từ những
đam mê, tham dục của ta, từ những bám víu vào ảo giác, sân hận của
ta…Những người tu tập cao, nhất là tu tập theo các phép thiền định của
Phật giáo Tây tạng, họ ít chiêm bao hay hoàn toàn không còn chiêm bao
nữa, hoặc nếu có chiêm bao thì họ chỉ « thấy » những phản ứng và hành vi
của họ thấm đượm lòng tư bi, yêu thương, khoan dung và độ lương trước
những cảnh đau thương trước mặt họ, nhưng tuyệt đối họ không còn thấy ma
nữa. Tóm lại, Ma nằm trong tâm trí ta và tâm thức ta. Tại sao ? Vì Ma
chính là Chủ nhân ông của mọi tư duy và hành vi duy ý của ta. Vị Chủ
nhân ông ấy tượng trưng cho sự vận hành của nghiệp, cơ sở của sự vận
hành ấy là ngũ uẩn (skanha), ngũ uẫn tác động với ngoại cảnh tức là cơ duyên để giúp cho nghiệp biến thành quả. Vậy con Ma, hay Vị Chủ nhân ông của ta chính là cái ta, cái ngã, cái tôi đang ẩn nấp trong ta, đang điểu khiển ta. Con Ma đó chính là vô minh,
tức những bản năng thú tính, dục vọng, thèm khát, bám víu, sân si, ảo
giác…, chúng kích động ta, đẩy ta vào những hành vi với mục đích làm
thoả mãn những thèm khát và dục vọng trong ta. Hậu quả đưa đến là khổ
đau. Trong đầu ta, Ma luôn luôn nhắc nhở ta phải bảo vệ cái tôi, cái ngã
của ta, nó rất khôn ngoan và khéo léo, tùy theo từng người, từng hoàn
cảnh và trường hợp, nó sẽ dùng cách quát nạt, ra lệnh hay vỗ về bằng
những tiếng êm ái, dễ thương, hoặc hét lên the thé…, mục đích để in đậm
trong tâm trí ta sự hiện diện của cái ngã. Ma là cái ngã đang thống trị ta, làm cho ta tham lam, ích kỷ, nó xúi dục ta, nịnh hót ta, biến ta thành đốn mạt, nói dối và quỷ quyệt. Ma không phải chỉ biết doạ nạt suông mà thôi, nhưng chính những hành vi do Ma xúi dục đã làm phát sinh ra Thế giới luân hồi. Thế giới luân hồi nằm trong sự kiềm tỏa của Ma, đồng thời Ma lại nằm trong tâm thức ta. Đánh đuổi con Ma ấy ra khỏi tâm thức có nghĩa là xoá bỏ cả thế giới luân hồi này. Vì thế có thể nói Ma chính là biểu hiện của luân hồi, của sợ hãi, đọa đày và khổ đau. Ma hay Vô minh tung hoành trong tâm thức ta, tạo ra u mê, lầm lẫn và đau khổ, kích động ta tạo nghiệp, trói buộc ta vào thế giới luân hồi. Chu kỳ của sự sống là sự vận hành của bánh xe luân hồi mà động cơ là con Ma trong đầu ta. « Tỉnh thức » hay « Giác ngộ » tức là nhận thức được quá trình đó, sự vận chuyển đó không thật, chúng chỉ là ảo giác, chỉ là Ma. Tóm lại, ta không thể đuổi con Ma ra khỏi phòng, ta cũng không thể chạy trốn nó được, mà ta phải đuổi con Ma ra khỏi đầu. Ta không thể dùng bùa chú, phù phép hay nghi lễ để đuổi Ma. Ta chỉ có thể đuổi Ma bằng tu tập, bằng cách khắc phục Vô minh, mang lại cho ta một tâm linh minh mẫn, an bình, trong sáng và rạng rỡ, không còn bóng dáng một con Ma nào nữa.Trừ Ma theo Phật giáo Tây tạng Theo sự trình bày trên đây, Ma ẩn nấp trong đầu ta, tu tập tức là tìm cách đánh đuổi con Ma ra khỏi đầu. Lý thuyết là như thế, nhưng đánh đuổi bằng khí giới gì, bằng cách nào ? Xin trích ra đây câu chuyện trừ Ma hay trị Ma
của Mật-lặc-Nhật-ba (Milarepa) do Kalou Rinpoché thuật lại trong một
quyển sách của ông. Kalou Rinpoché (1904-1989) là một Đại sư Tây tạng
rất uy tín đã thuyết giảng trong hai mươi năm liền tại các nước Tây
phương trước khi ông qua đời. Mật-lặc-Nhật-ba (1052-1135) là một thánh
nhân Tây tạng, đệ tử của Mã-nhĩ-ba (Marpa). Câu chuyện như sau :
Mật-lặc-Nhật-ba ẩn cư trong một hang động trên Hy-mã Lạp-sơn. Một hôm,
khi ông quay vào hang thì bắt gặp một đàn quỷ rất hung tợn đang chờ đợi
ông, chúng nhe răng và trợn hai mắt to như hai cái dĩa. Chúng dọa nạt
ông, dậm chân làm mặt đất rung chuyển, hò hét thật khiếp đảm.
Mật-lặc-Nhật-ba tìm mọi cách để xua đuổi chúng : ông kêu gọi đến sức
mạnh của thầy ông là lạt-ma Mã-nhĩ-ba và quán tưởng đến các thần linh
phù trợ, nhưng đều không hiệu quả ; ông quay ra hăm dọa lại đàn ma quỷ,
tìm mọi cách đánh đuổi chúng. Chẳng những chúng không sợ mà còn chế nhạo
ông nữa : « Nhìn thấy mi như thế, chúng ta thừa biết mi hoảng sợ lắm rồi. Mi mất hết trầm tĩnh và sự an bình rồi. Ha ! ha ! » Mật-lặc Nhật-ba liền tự nhủ : « Mã-nhĩ-ba
thầy ta có dạy rằng những biểu hiện bên ngoài chỉ là những phóng ảnh
của tâm thức, bản chất của tâm thức thật ra là trống không và trong
sáng. Nếu xem ma quỷ thuộc bên ngoài tâm thức để mà đánh đuổi chúng ra
xa thì cũng giống như là những hành động ảo giác mà thôi ».
Mật-lặc-Nhật-ba liền hiểu rằng ông không được phép để cho tâm thức bị
ám ảnh bởi những biểu hiện như thế, phải giữ tâm thức vững vàng trước
những đàn ma quỷ dù cho chúng hung tợn đến đâu cũng thế. Ông cũng quán
nhận được rằng ma quỷ chỉ là những bám víu, và những tư duy nhị nguyên
phát sinh từ trong tâm thức. Ông bèn hết sợ, chấp nhận sự đối diện với
ma quỷ, đồng thời ông phát lộ lòng Từ bi vô biên đối với chúng. Ông tự nhủ như sau : « Nếu
chúng nó muốn ăn thịt ta, ta sẽ hiến dâng thân xác này của ta cho
chúng ; sự sống là tạm bợ, đấy chính là một dịp tốt để ta đem thân xác
này làm một việc thiện ». Thật bất ngờ, thái độ Từ bi và sự quán nhận Tánh không của Mật-lặc-Nhật-ba đã làm nguôi cơn thịnh nộ của đám ma quỷ và tên cầm đầu liền nói với Mật-lặc-Nhật-ba như sau : « Chúng
ta cứ tưởng là mi khiếp sợ chúng ta ; nào ngờ các ý nghĩ đen tối về ma
quỷ không thể nào hiển hiện ra được trong đầu mi, vậy thì mi chẳng có gì
để sợ hãi cả ». Dứt lời, toàn thể đám ma quỷ đều biến mất.
Người ta nghĩ rằng ma chỉ có thể hiện ra trong kẹt cửa hay trong những
nơi đầy bóng tối, nhưng thật ra thì chúng đang ẩn nấp trong các ngõ
ngách u tối phía sau tấm màn vô minh trong tâm thức của
mỗi người trong chúng ta. Khi nào chúng ta vun xới tâm thức mình để biến
cải nó thành một ngôi vườn đầy hoa thơm và cỏ lạ, tràn đầy lòng Từ bi
và rộng lượng, chan hòa ánh hào quang của Phật tính, thì khi ấy trong
tâm thức ta tức là ngôi vườn chan hoà ánh sáng đó sẽ không còn có bóng
dáng của một con ma nào ẩn nấp. Phải trừ Ma như thế nào ?... Đó là những câu hỏi có thể nêu lên cho mỗi người trong chúng ta, vì có thể có người chưa hề « gặp ma » bao giờ, nên tò mò cũng muốn biết xem Ma ra thế nào, hoặc có người đã từng « thấy ma » nên vẫn còn bị Ma ám ảnh và muốn biết xem cái thấy của mình, hay là cái con Ma họ thấy có thật hay không. Vậy ta hãy xem quan điểm của Phật giáo về Ma