CÁI MŨI VÀ ĐỜI NGƯỜI
Ngán cho cái mũi vô duyên,
Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An.
Ý chê là thối như thuyền nước mắm. Chính vì cái mũi vô duyên đó mà Cao Bá Quát mới rơi vào cảnh tù ngục chết chém.
Ba hồi trống giục mồ cha kiếp,
Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời.
Tướng con người ta kỵ nhất cái mũi vô duyên (dĩ nhiên là không phải
theo cái nghĩa mà Cao thi sĩ nói), vì xem tướng trước hết phải xem cái
mũi. Mũi tốt mới xem thêm, mũi xấu khỏi nói chuyện.
Bất cứ con trai hay con gái, về tướng mặt mày đều lấy mũi làm chủ. Về tướng mũi chia ra làm hai loại: Thượng cách và hạ cách.
Thuộc về thượng cách chia ra làm ba hạng:
- Thiện tướng - thiện nhân đây là nói về phẩm cách.
- Quý tướng - quý nhân đây là nói về quyền vị.
- Phú tướng - phú nhân đây là nói về tài phú.
Người thiện không nhất định phải giàu nhưng suốt đời vui sướng và khi chết cũng an toàn.
Người quý vị tất đã giàu, người giàu không chắc đã thiện. Cho nên
hai loại người này không chắc đã được vui sướng và thiện chung. Cho nên
khi cổ nhân luận bàn về phúc tướng thường lấy thiện làm tốt và quý là
thứ nhì, sau cùng mới đến phú. (Hiện tại là thời đại tư bản, phú luôn đi
với quý nên người xem tướng cần phải thẩm định lại cái lý, chẳng nên
giữ mãi quan niệm hủ lậu ngày trước).
Tướng quý thiện, phú đều phân thành ba đẳng cấp: Đại, trung, tiểu.
Tỉ dụ: Đại quý, trung quý, tiểu quý. Đại phú, trung phú và tiểu phú.
Mũi thuộc tướng quý thế nào?
Phải “thông thiên hữu thế” nghĩa là dài thẳng suốt lên đến giữa hai
mắt như ống mũi ăn sâu vào trong óc, tỉ như ta gọi là mũi dọc dừa, phải
có thế trông mạnh mẽ oai vệ.
Phải “phong mãn tàn khổng” nghĩa là đầy đặn, to lớn, hai lỗ mũi ẩn kín.
Lúc Tôn Văn còn bôn ba, có một vị thầy tướng đã bình phẩm cái mũi
của nhà cách mạng đó rằng: Đại thiện kiêm đại quý đản vô phú (Mũi rất
mực thiện, rất mực quý nhưng không giàu).
Quả nhiên, Tôn Văn suốt đời khó nhọc vì tiền, kể cả lúc lấy bà Tống Khánh Linh giàu sụ bên Mỹ.
Trong đời chỉ có tướng mũi vừa thiện vừa quý nhưng không bao giờ có
tướng mũi vừa thiện vừa quý lại vừa phú. Quý dễ đi đôi với phú, có thể
đi đôi với thiện. Nhưng phú ít đi với thiện.
Về tướng ác của mũi được phân biệt như sau: Ác, tiện, bần.
Ác, tiện, bần chia làm ba đẳng cấp:
- Nhưng tướng mũi ác là tối kị. Vì người tướng mũi ác sẽ chết bất đắc kỳ tử, thậm chí cả nhà sẽ bị thảm tử.
- Ác, không nhất định phải kiêm cả bần. Bởi vì tướng mũi ác đa số dễ giàu có.
- Bần không nhất định phải kiêm cả tiện. Tuy nhiên ở xã hội thì
tướng bần, tướng tiện rất nhiều và tướng ác tương đối ít hơn. Chẳng qua
vì nhiều người nghèo nên ăn chẳng vay bữa mà mang tiếng ác thôi. Chứ ác
không phải vậy.
Theo truyền thống của tướng pháp Trung Hoa thì cái mũi ảnh hưởng lớn nhất đến vận mạng và tính cách con người, nam cũng như nữ.
Đối với đàn ông, mũi chủ tài tinh (tiền bạc).
Đối với đàn bà, mũi chủ phu tinh (chồng con).
Sách “Tướng lý hành chân” dạy rằng:
Mũi là cơ quan thẩm biện của cơ thể. Nên đầy đặn, cao lớn có thịt
như mũi sư tử, mũi hổ như trái mật treo, ngay ngắn không lệch lạc, không
thô, không nhỏ. (Xin các bạn lưu ý là to lớn nhưng không thô tục). Như
vậy là thẩm quan tốt, không giàu cũng sang.
Nếu nó giống mũi chó, mũi diều hâu, mũi dao nhọn, gồ ghề, gẫy, lỗ
mũi hếch, lệch và yếu ớt, sống mũi lộ, cao và cô đơn như ngọn núi. Như
vậy là thẩm biên quan hư, con người có sống mũi này phải chịu lao đao,
vất vả, tâm tính gian tham.
Tướng học nhận mũi là thổ tinh. Nếu thổ tinh hãm, vạn vật không có
đất nuôi nấng sẽ chết khô héo. Mũi hỏng tất nhiên lục phủ ngũ tạng hư.
Đến tuổi trung niên tất vì bệnh tật mà hết nghiệp.
Trên thế gian không có giai nhân nào mũi lệch (có thể miệng lệch
vẫn là giai nhân) cũng như không có vị anh hùng hào kiệt nào mũi hin,
mũi nhỏ và mũi hãm, mũi tẹt dí mà thành công.
Người nào mũi thẳng, đầu mũi tròn trịa có da thịt thì tính tình nhân từ, bộc trực.
Người nào mũi ngưỡng thiên thì vô nhân vô nghĩa.
Người nào mũi nhọn, đầu mũi không có thịt thì tính tình xảo trá.
Người nào mũi khoằm như lưỡi câu thì tính tình hiểm độc.
Sống mũi có đốt lộ ra ngoài là vợ chồng lục đục, đôi khi khắc, sát. (Dân Tàu đi hỏi vợ bao giờ cũng trông tướng mũi trước).
Tại Hương Cảng có một vị phú ông tên là Phó Lão Dung rất nổi tiếng về tiền bạc và về một chuyện kể dưới đây:
- Lão Dung vào đời rất nghèo khổ, sau nhờ thông minh kiên nhẫn nên
chẳng bao lâu trở thành đại phú thương. Nhưng dân Hương Cảng không chỉ
nể ông vì tiền mà còn kính trọng ông vì đức. Ông là người khinh tài
trọng nghĩa. Được giúp ai việc gì ông rất vui vẻ. Giàu thiên ức vạn tải,
nhưng trên mặt chẳng bao giờ lộ ra vẻ ngạo mạn khinh khi.
Có lần ông bị bọn cướp bắt cóc. Chúng bịt mắt ông mang xuống thuyền
đẩy ra giữa dòng sông để tra khảo. Trước hết chúng cắt một miếng tai
ông. Ông vẫn bình thản.
Hôm sau chúng mang đến một bát thuốc độc để trước mặt ông và bắt
ông phải chọn hai điều, hoặc uống hết bát thuốc, hoặc viết thư về nhà
lấy tiền chuộc mạng. Ông thản nhiên cầm lấy bát thuốc độc uống cạn một
hơi. Bọn cướp ngạc nhiên hết sức, mặc dầu bát thuốc độc chúng mang lại
chỉ là bát chè “bát bảo lường xà”. Sau cùng bọn cướp chịu thua.
Tại sao Phó Lão Dung lại hành động như thế? Ông là con người bần tiện coi tiền hơn sinh mạng chăng?
Chuyện này thiên hạ bàn tán xôn xao, nhưng khi ông còn sống vẫn
chẳng ai tìm ra giải đáp xuôi xoả. Mãi tới lúc ông chết, câu chuyện mới
vỡ lẽ. Hấp hối trên giường, ông bắt người nhà mang tới một tờ giấy hoa
tiên ông cất giấu trong chiếc hộp bằng ngọc thạch cẩn kim cương. Đó là
tờ giấy đoán tướng. Ông đọc xong mỉm cười rồi chết.
Người nhà đọc tờ giấy kia thì thấy những dòng chữ như sau:
“Tướng mũi người này tất phát đại phú vì nó đã đầy đặn lại còn
nhiều khí lực, thêm vào đấy lại hai gò má rất phối hợp với mũi. Đến
trung vận thì sẽ như rồng gặp mây. Hiềm đôi mắt hơi có chút phá cách,
bởi tại ác nhãn. Như nếu biết tâm tướng mà chữa phần tướng, khi nào giầu
phải biết làm việc nghĩa ngay thì giàu có mới bền vững. Bằng không e
chết chẳng toàn mạng”.
Phó Lão Dung đã triệt để vâng theo lời đoán tướng trong sự đối xử
hàng ngày với cuộc sống. Do đó ông đã thoát rất nhiều tai nạn. Cái lòng
tin tưởng vào tâm tướng của ông lớn đến nỗi có thể cầm cả bát thuốc độc
uống một hơi mà tâm hồn ông không một chút hoảng kinh kể cũng lạ.
Khi người ta cậy dỉ mũi, vắt nước mũi với lòng tục và mắt tục làm
gì có ai nghĩ rằng cái mũi quan trọng đến nhường ấy. Hàng ngày, người ta
thường nói với nhau thằng ấy, con ấy bị tao bóp mũi mà cái miệng tục
chẳng bao giờ để ý rằng chính mình đã công nhận cái mũi là quan trọng.
Cái mũi trên mặt người ta, khi nó đi với tai, mắt, miệng được ví
như sông ngòi, khi nó đi với lưỡng quyền, trán, cằm được ví với núi non
mà tiếng chuyên môn gọi là tứ độc và ngũ nhạc. Cho nên mũi với đời người
rất quan trọng.
Mũi là trung nhạc (núi đứng giữa), khí linh của phổi. Phổi tốt, mũi
đẹp và có lực (hữu khí). Mũi mà chảy xệ, người mắc chứng ho lao hoặc
suyễn, che khuất nhân trung sống không quá 40 tuổi.
Theo Thần Tướng Toàn Biên, xem tướng mũi phải chia ra hình với sắc.
Sắc của mũi luôn luôn quang nhuận, da dẻ mịn màng, màu hồng vàng ong
ong dưới làn da (nếu đỏ như mũi người nghiện rượu lại vất vả) mũi đen
như tro than làm lấm lưỡi vẫn không đủ ăn.
Về hình tướng, có 4 loại mũi tốt nhất:
- Huyền đởm tị: (Mũi trái mật treo) đầy đặn, kín lỗ mũi, sống mũi
cao không lộ cốt chạy lên đến sơn căn (giữa hai con mắt), phú quý nhiều
may mắn.
- Tài đồng tị: (Mũi như ống tre vát) sống mũi cao thẳng, bóng bẩy, đầu mũi và cánh mũi chắc chắn dầy dặn, phú quý.
- Sư tử tị: (Mũi sư tử) to nở đầy, lỗ mũi kín nhưng không được sần sùi, phú bất quý.
- Long tị: (Mũi rồng) là cả ba hình mũi trên cộng lại, mũi này
thuộc loại vua chúa, phú gia địch quốc hiếm có. Nó từa tựa như mũi nhà
tỉ phú Onassis.
Loại mũi xấu gồm có:
- Lộ khổng tị: (Hai lỗ mũi rộng toác) nghèo khổ, túng bấn.
- Tam khúc tị: (Mũi gãy) cô độc.
- Cô phong tị: (Mũi như mỏm núi chon von) tự cao tự đại, dễ bị ghét nên nghèo khổ.
- Cẩu tị: (mũi chó) mũi gầy guộc lộ sống mũi, hình dung thô tục, loại hèn hạ.
- Ưng chuỷ tị: (Mũi chim ưng hay mũi con két) gian tà ác tâm.
Tóm lại, mũi tốt trên nguyên tắc chung, về hình thái phải kín lỗ
mũi, ngay ngắn, đầy đặn, sống mũi cao nhưng không lộ cốt. Xấu thì lỗ mũi
lộ, mũi hếch, cốt lộ mỏng, lệch.
Tướng mũi cần phải phối hợp với lưỡng quyền, mũi lớn đẹp mà quyền
thấp không ăn to. Tướng mũi còn phải đi với tướng mắt. Mũi lớn đẹp mà
tướng mắt hỏng dù có giàu cũng không thể sang được.
TỨ ĐỘC - NGŨ NHẠC - NGŨ QUAN
Bất cứ một học khoa nào, một nghề nghiệp nào cũng có chuyên môn.
Tứ độc khoa tướng mệnh dùng để chỉ tai, mắt, mũi và miệng.
Ngũ nhạc để chỉ trán, lưỡng quyền, cằm, mũi.
Ngũ quan dùng để chỉ tai, mắt mũi miệng và lông mày.
Tại sao trong bộ tứ độc có tai mắt mũi miệng như ngũ quan?
Sở dĩ phải phân ra như vậy là vì tai mắt mũi miệng được xem tướng
trên hai bộ phận: hình bên ngoài và khoảng trống bên trong, khoảng trống
ấy ví như lòng sông, lòng ngòi, lòng suối mà thông thường gọi là lỗ
tai, lỗ mũi, lỗ miệng và lòng mắt. Phần ngũ quan ngoài tai mắt, mũi
miệng còn có lông mày khác với ngũ quan, cửu khiếu của khoa cơ thể học
vì lông mày theo tướng học, liên hệ đến công danh phú con người.
Trên nguyên tắc tướng tốt của tứ độc là sâu và rộng (thâm khoát) có
thành, bờ chắc chắn, tối kỵ phá khuyết. Tứ độc: Tai, mũi, miệng, mắt là
tượng trưng cho thủy. Nếu phá khuyết, nước sẽ tràn gây hoạ.
Tai có thành (vành tai), quách (chỗ gồ lên gần vành tai), lỗ tai
lớn và sâu, vị trí ở cao trên mắt càng hay, dái tai đầy đặn, tai dầy màu
trắng sáng hay hồng nhuận là tai đẹp tướng. Tuy nhiên lúc xem phải phối
hợp với mắt. Có hảo nhĩ vô hảo nhãn sẽ kém đi 80%.
Qua kinh nghiệm đa số thành công nhân vật thường có tướng mắt cực tốt hơn tai tốt.
Mắt, bộ vị quan trọng nhất của nhân thân.
Mắt phải sáng trong, lòng trắng, lòng đen phân minh, mắt to con
ngươi lớn, đuôi mắt hướng thượng (mắt xếch), ngoạ tầm (thịt nằm dưới mắt
đầy đặn), mắt không lộ quang là loại mắt kim bất hoán (vạn lượng vàng
không đổi).
Mũi (xin xem chương trên).
Miệng cần lớn và vuông, đôi môi kín đáo không để lộ răng, góc miệng
nên cong lên đừng chảy xuống (chảy xuống là miệng cá). Sách tướng có
những câu về miệng như: Thần nhược đồ chu thực lộc nhị thiên thạch (Môi
tựa son hồng, bổng lộc nhiều). Nam tử khẩu đại thực tứ phương (Đàn ông
miệng lớn ăn cơm thiên hạ đi đâu cũng có ăn). Khẩu trung tự hữu hoàng
kim ốc (trong miệng tựa như có nhà vàng).
Tứ độc là sông ngòi, ngũ nhạc là núi non.
Trán là núi phía Nam tức Nam nhạc.
Cằm là núi phía Bắc tức Bắc nhạc.
Lưỡng quyền là núi phía Đông, phía Tây tức Đông nhạc và Tây nhạc.
Mũi ở giữa là Trung nhạc.
Theo lối nhìn bản đồ bây giờ, phía Bắc ở trên, Nam ở dưới, nhưng
tướng học thì Nam ở trên, Bắc ở dưới, vì căn cứ vào ngũ hành, Nam phương
thuộc hỏa mà mỗi khi hỏa phát đều tụ vào trán (người ốm sờ vào trán
nóng nhất).
Núi non tất phải cao, hùng vĩ, khí thế. Bộ vĩ nhạc cũng vậy, cần khí thế, có khí thế mới cao sáng lớn chắc kiên cường.
Sách “Thạch Thất Thần Dị” viết:
Muốn hỏi tiền trình thì xem khí, cục và hình dung. Ngũ nhạc là căn
cốt của hình dung. Ngũ nhạc triều quy, kim thế tiền tài tự vượng (Ngũ
nhạc đẹp, tiền tài thừa thãi). Tướng nhạc triều quy có nghĩa là cả năm
nhạc cao, nở, chầu vào mũi. Thời buổi tao loạn rất hiếm, bởi tình thế
xoay chuyển luôn sinh nhiều khuyết hãm cho tướng số nên mới tạo nên cảnh
lên voi xuống chó. Còn ngũ nhạc triều quy thì tất cả đã có đều bền bỉ.
Xem tướng người làm chính trị nên chú ý Ngũ nhạc. Trước khi đi vào chi
tiết ngũ nhạc, ta hãy nói về tam đình. Tam đình là gì?
Là danh từ khoa tướng mệnh dùng để phân mặt con người làm ba đoạn:
- Từ chân tóc xuống đến Sơn căn (gốc mũi giữa hai mắt) là Thượng đình.
- Từ sơn căn đến chuẩn đầu (đầu mũi) là Trung đình.
- Từ chuẩn đầu đến địa các (hàm và cằm) là Hạ đình.
Trán thuộc Thượng đình. Mũi lưỡng quyền thuộc Trung đình. Cằm thuộc Hạ đình.
Thượng đình chỉ thời thiếu niên. Trung đình chỉ thời trung niên và Hạ đình chỉ thời lão niên.
Trán tức Nam nhạc ứng vận từ 15 đến 28 tuổi, cần hình thế nở rộng,
cốt khí sung thực. Không vết không sẹo, không lấm tấm, không phá hãm,
không đen rám lại như trái bưởi bị rám nắng. Có trán như vậy thời thiếu
niên sung sướng, con nhà khá giả, học hành đỗ đạt được nhiều người giúp
đỡ. Nếu trán hẹp, thiên lệch, thuở thiếu niên truân chuyên.
Sách “Ma Y” nói: “Thiên đình cao tủng, thiếu niên phú quý khả tì” (Trán cao rộng hy vọng có phú quý sớm).
Xem gia thế con nhà, dòng dõi hay phúc thiện hay chú ý tướng trán.
Trung nhạc tức cái mũi là vận tuổi 40 đến 50 tuổi để lập sự nghiệp.
Đức Khổng Tử bảo rằng: Bốn mươi, năm mươi tuổi đầu mà chưa tăm tiếng
gì, kẻ đó không đáng sợ. (Tứ thập ngũ thập nhi vô căn yên, tư nhân bất
túc uý dã hỉ).
Từ 40 đến 50 nếm trải mùi đời đã quán đạt, sức khỏe còn mạnh. Nếu
quá 50 mà chưa có nền móng chi cả thì sức đâu. Lực bất tòng tâm là một
điều khốn khổ trong cõi nhân gian. Bởi vậy cho nên cái mũi mới quan
trọng cho vận mệnh người ta. Mũi nở nang hữu lực, cánh mũi đều sơn căn
dày. Cộng thêm với lưỡng quyền phối hợp, hai tai ứng hữu tình như ông
vua có văn võ quan, quần áo uy nghiêm đứng chầu là tướng mũi hoàn hảo.
Nếu lưỡng quyền thấp hãm, hai tai mỏng manh mà mũi cao, mũi lớn
đứng một mình gọi là độc tủng cô phong tượng trưng cho sự cô khắc, dù có
giàu có mà cô độc khắc cha mẹ, anh em, bạn bè, vợ con thì đời sống làm
gì còn hứng thú nữa. Con gái có mũi độc tủng cô phong sát phu, mười lần
lấy chồng vẫn hoàn quả phụ.
Đông Nhạc Tây nhạc lưỡng quyền quan hệ mật thiết với cái mũi, vận hạn cùng thời với mũi.
Tính chất của lưỡng quyền là quyền uy, tự tin và tài năng lãnh tụ.
Sách “Vạn Kim Bí Ngữ” nói:
“Hình thế lưỡng quyền là phải nổi lên như hai trái trứng gà, hoặc độn má lên như hai khối bạc vuông mới thành cách”.
Xương với thịt lưỡng quyền tương xứng, không thiên lệch, nếu to lớn
chạy suốt thiên sương (gần thái dương) đó là bậc đại trượng phu trên
đời. Các quân nhân cần lưỡng quyền thật tốt mới có thể lên chức tướng
được. Tuy nhiên chớ nên quên sự phối hợp của lưỡng quyền với mũi.
Bắc nhạc tức là cái cằm thuộc lão niên 55 đến 60 tuổi trở đi, tuổi kết cục của cả một đời.
Quá khứ cao sang, giàu có, phú quý, vinh hoa, oanh liệt, hiển hách,
mà lúc tuổi già thân bại danh liệt, vợ bỏ, con lìa, ốm đau khổ sở, chết
đường chết chợ thì thật là một cảnh bi ai nhất cho kiếp nhân sinh. Cảnh
bi ai đó là kết quả của tướng cằm, Bắc nhạc tước bạc, vát cằm nhọn yếu.
Tóm tắt lại, ngũ nhạc nên nở nang, cao tủng, đầy khí thế. Trên
thực tế khó kiếm ra người tướng ngũ nhạc lý tưởng như sách vở, nếu có
chăng thì chỉ đếm bằng đầu ngón tay các vua chúa, các nhà tỉ phú, các
trọng thần mà thôi.
Ngoài ra, đa số ngũ nhạc ở tình trạng khuyết hãm. Thấy khuyết hãm
thì đoán theo khuyết hãm. Giả như Nam nhạc yếu, bốn nhạc kia tốt, tất
thời thiếu niên lao đao vất vả, từ trung niên mới khá. Giả như Trung
nhạc yếu thì mọi sự nghiệp 45 tuổi về trước nên coi như giấc mộng đêm
xuân. Còn Trung nhạc khí tuyệt nơi sơn căn thì dù Bắc nhạc có tốt chăng
nữa cũng phải lìa đời...
Ngũ quan là tai mắt mũi miệng và lông mày. Đưa lông mày vào bộ vị
ngũ quan không rõ là nguồn gốc từ đâu, nó đã gây một thời kỳ tranh luận
sôi nổi. Sau cùng, lập luận các sách như: Thông Tiên Kinh, Bạch Vân Từ,
Ngọc Quản Chiếu Thần, Nguyệt Ba Động, Đại Thanh Thần Giám, Băng Giám, Ma
Y, Liễu Trang, Thuỷ Kính lập thành phe đa số chấp nhận lông mày thuộc
ngũ quan.
Các sách đều đưa ra một nguyên tắc chung cho ngũ quan bằng câu:
“Ngũ quan dục kì minh như chính” (Ngũ quan phải ngay ngắn sáng sủa).
Minh là ưu điểm nội tại. Chính là ưu điểm ngoại biểu.
Cổ nhân định nghĩa chữ Minh: Minh là một khí thế quang khiết, lãng
huy, thanh tân sống động không trầm trệ, nếu chữ minh ấy đem áp dụng vào
con người thì minh là biết nhiều, hiểu rộng, khí anh hùng bột bột,
quyết đoán và dũng cảm, tượng trưng cho đa năng đa tài.
Cổ nhân định nghĩa chữ Chính: Chính là ngay ngắn, thẳng thắn.
Minh phải đi với Chính, có cả tài lẫn đức. Có đức mà vô tài là hạng xoàng. Có tài mà vô đức là hạng tồi.
Minh để xét năng. Chính để xét đức độ. Thiếu minh, con người hay ngu si làm việc hay đổ vỡ.
Thiếu Chính, con người vong ân bội nghĩa khắc bạc quả ân.
Phương ngôn có câu voi chéo ngà, đàn bà lác mắt. Ngà chéo, lác mắt là bất chính. Lù rù như chuột chù phải khói là bất minh.
Riêng về lông mày (mi) “Thần tướng toàn biên” viết: “Mi là cái lọng
che cho mắt, biểu nghi của diện, dùng để phân biệt anh hoa cho tướng
mắt và hiền ngu của tinh thần”.
Lông mày cần chạy dần đến quá đuôi con mắt (mi trường quá mục),
thanh tú mềm mại, bóng bẩy chủ thông tuệ, thô đậm mọc ngược chủ hung
hãn, ngoan cố. Lông mày thô đậm áp đảo mắt thì cùng khổ, nếu thêm mắt
nhỏ nữa suốt đời lao ngục, tù tội.
Lông mày mọc ngược, bất lương.
Lông mày giao nhau, bần khổ, khắc anh em.
Lông mày lưa thưa, giảo quyệt, nịnh nọt.
Lông mày cao, quý tướng.
“Thần Tướng Toàn Biên” phân định ra làm nhiều loại lông mày kể dưới đây:
- Quỷ mi: Thô và đàn áp mắt, tâm bất thiện, giả nhân, giả nghĩa, ăn cướp, ăn trộm.
- Bát tu mi: Đầu thưa, đuôi tán loạn, cô độc.
- La hán mi: Nhạt như người cạo để đi tu, cô độc.
- Kiếm mi: Hình lưỡi kiếm, giỏi giang, uy quyền.
- Long mi: Thanh tú, cong như cánh cung, đại phú quý.
- Hoàng bạc mi: Thưa, màu vàng, rất xấu, nghèo khổ, các bộ vị khác có tốt cũng không bền lâu.
LỤC PHỦ - THẬP NHỊ CUNG
Lục phủ đây không phải là lục phủ ngũ tạng nói trong cơ thể học. Lục phủ của tướng mệnh học là sáu khu vực trên mặt con người.
Gốc của lục phủ là xương mặt, phủ có nghĩa là kho chứa, nó gồm có
hai xương hàm, khu vực lưỡng quyền, hai xương trán kể từ giữa mắt rộng
ra giữa thái dương. Lục phủ nói thâu tóm lại là vùng ven biên của mặt,
bảo vệ cho ngũ quan, ngũ nhạc tứ độc. Ta nói mặt người có góc cạnh là
nói đến những xương cốt thuộc lục phủ.
Tướng tốt của lục phủ là đều đặn, nở nang, liên lạc mật thiết với
nhau như đà móng dằng co của nhà cửa, da thịt trên mặt lục phủ tương
xứng với xương để xương không lộ. Nếu xương lộ hoặc lệch kể như một cái
đà, một chân móng đã lìa sườn nhà, rất kỵ. Tỉ dụ: xương hàm bạnh ra, hàm
long, hàm chắp là tướng hung tử. Nếu lục phủ quá chìm, mặt thiếu góc
cạnh, người nhu nhược bần hàn vì kho chứa trống trơn.
Ngũ quan, ngũ nhạc, lục phủ gộp lại trong lời đoán của Hứa Phụ như
sau: Đầu nhỏ là nhất cực, ít may mắn, thiếu tinh thần tranh đấu, yếu
hèn.
Trán nhỏ là nhị cực, lúc nhỏ truân chuyên.
Mắt nhỏ là tam cực, tâm địa hẹp hòi, học hành khó đỗ đạt.
Mũi nhỏ là tứ cực, túng bấn vất vả.
Miệng nhỏ là ngũ cực, không đủ bát ăn.
Tai nhỏ quắt lại là lục cực, sống chết bất thường, sống nay chết mai.
Lại có những câu phú rằng:
Đầu tuy lớn mà trán bạt không có góc cạnh. Mắt tuy to mà thiếu tinh
thần. Mũi tuy nở mà sống mũi yếu. Miệng tuy rộng mà nói lắp bắp. Tai
tuy đại mà không thành quách: Vẫn khốn khổ.
Đầu nhỏ mà bằng phẳng ngay ngắn. Mắt tuy nhỏ mà sáng, thanh khiết.
Mũi tuy nhỏ mà sống mũi khoẻ, sáng đẹp. Miệng tuy nhỏ mà nói văn hoa, âm
thanh dễ nghe: Không lo đói nghèo.
Phép xem tướng số phải lấy huyền diệu của con tâm mới có thể quán triệt, gỡ những mối rối ẩn kín bên trong.
Mặt con người ta chia làm 12 cung:
1. Mệnh cung: Nằm tại giữa trán, giữa hai đầu lông mày, còn có danh
từ khác gọi là ấn đường nổi lên, sáng, mịn màng, tốt, vết phá ám hãm
xấu.
2. Tài bạch cung: Là cái mũi.
3. Huynh đệ cung: Là đôi mày.
4. Điền trạch cung: Nằm ở dưới lông mày đến mi mắt, càng rộng rãi
sáng đẹp càng nhà cao cửa rộng. Có người nghèo mà vẫn ở nhà lớn là nhờ
cung điền trạch cực đẹp, tức khí nhiều.
5. Tử tức cung: Ở dưới hai mắt, giữa quyền và mắt, nên bằng phẳng, kỵ sâu, đen tối và có tì vết.
6. Nô bộc cung: Ở khu địa các, (hàm, cằm) lẹm, khuyết, bạc nhược dễ
bị bạn bè lừa lọc hoặc chỉ đi làm cho người khác hưởng mà không ai làm
cho mình hưởng.
7. Thê thiếp cung: Còn gọi là hiên môn nằm từ đuôi mắt ra tóc mai đầy đặn, sáng tốt, lõm, khuyết ám xấu.
8. Tật ách cung: Gốc mũi tức sơn căn.
9. Thiên di cung: Kể từ đuôi mắt lên chân tóc sát thái dương, nở
sáng, xuất ngoại làm ăn phát đạt, thiên di cung ám hãm, xuất ngoại cực
khổ hoặc chết tha hương.
10. Quan lộc cung: Ở ấn đường cùng một chỗ với mệnh cung.
11. Phúc đức cung: Ở trên mắt, sát thiên sương dưới thiên di cung.
12. Còn cung thứ mười hai là toàn diện mạo, khác với lá số nó không có cung phụ mẫu vì phụ mẫu với phúc đức là một.
Tại sao phải chia ra từng cung như thế?
Chia ra để xem một việc, tỉ dụ xem hiên môn, tức cung thê thiếp để
biết vợ chồng, xem cằm, hàm để biết bạn (hay?) là người dưới.
Chia cung rất cần thiết cho xem tướng, khí, sắc. Tỉ dụ: khí sắc đen
hiện lên ở cung tử tức báo hiệu con cái ốm đau, chết chóc (sẽ nói ở
dưới).
Nhận thức các cung đòi hỏi sự tinh tế, sai một li đi một dặm, các
cung phúc đức, thiên di dễ lẫn (xin xem hình vẽ cho cẩn thận).
VÀI TÍCH CHUYỆN XƯA
Cảnh ngộ cá nhân sở dĩ thịnh suy, vinh nhục là do vận mạng lúc thế
này, lúc thế khác. Vận mạng cát hung hiện lên bộ vị tướng mạo.
Huyện Lư Sơn, đất Giang Tây, là nơi nghỉ mát có nhiều phong cảnh
đẹp. Cuối đời Thanh có thư sinh Tôn Chấn Khiêm khi chưa đỗ đạt gì từng
cất nhà đọc sách ở động Bạch Lộc. Một hôm Khiêm nhàn hứng đi vòng quanh
cổ miếu gặp một vị đạo sĩ tiên phong đạo cốt cùng đàm thoại, đạo sĩ tinh
thông nho y lý số, đoán việc như thần. Khiêm mới hỏi tương lai mình ra
sao? Đạo sĩ từ chối không nói.
Một hôm khác, Khiêm cũng qua cổ miếu, lại gặp đạo sĩ, cụ bảo Khiêm:
- Cậu đến vừa đúng lúc, chậm sợ không gặp.
Khiêm hỏi:
- Tại sao?
Đạo sĩ trả lời:
- Tôi sắp đi xa, hôm nay biết cậu đến đây tôi chờ để nói vài lời từ biệt.
- Cụ đi đâu? - Khiêm hỏi:
Đạo sĩ đáp:
- Tôi đi thăm núi non, hang động để tìm những kỳ công của tạo hoá.
Khiêm khẩn khoản:
- Nay chia tay chẳng biết bao giờ gặp, vậy xin cụ chỉ dạy cho những điều quan hệ đến tướng mệnh.
Đạo sĩ nói:
- Tôi với cậu quen nhau ngoài đường thật không có duyên nợ, nhưng
nay vì sắp viễn hành, chẳng nên câu nệ nữa. Cậu có tướng mạo anh kỳ,
hình cốt thanh tú, nhưng cậu không phải thuộc loại người công danh mà
thuộc loại người như chúng tôi. Sang năm tới, cậu sẽ đỗ cao, tuy nhiên,
nhìn tướng mạo thanh mà ẩn chứa hàn (ta nói hàn nho, nhà nho nghèo), chỉ
có danh không có lợi. Phú quý là do thiên định bất khả cưỡng cầu. Vả
lại, gia cảnh thanh hàn dễ thiện chung, thế sự thương tang chớp mắt vạn
biến, đỗ đạt cao sang rồi ngày nào sẽ mắc vào cái họa chủ nhục thần tử,
danh làm tội đời thà qui ẩn còn hơn.
Tôn Chấn Khiêm nói:
- Được nghe cao luận như hồi chuông buổi sớm. Tướng mệnh của tôi vô
duyên với quần áo triều đình thì tôi cũng đâu có tiếc cái công mười năm
đèn sách, sẵn sàng qui ẩn theo thầy học đạo được chăng?
Đạo sĩ xua tay mà nói rằng:
- Ấy không được, vạn vạn bất khả, nhân sinh mọi sự như thiên định,
không thể làm trái. Tướng mạo của cậu, cốt cách tốt, mi cao, quyền cao,
cậu sẽ phải nếm trải cho hết nghiệp trần rồi mới có thể xuất nghiệp nhập
đạo. Tôi xin tặng cậu cuốn sách dưỡng sinh chi thuật, cậu hãy giữ gìn
cẩn thận. Chắc chừng 30 năm nữa, chúng ta sẽ tái ngộ.
Tôn Chấn Khiêm trúng kỳ thi Hương. Người nhà đều giục giã học hành
để vào triều đình thi Hội tiến bước công danh. Qua năm, Khiêm trúng tiến
sĩ. Nhớ lời đạo sĩ, Khiêm không có mưu đồ công danh, chỉ muốn qui ẩn
nơi rừng sâu, suối mát nên mới xin chức giảng tập ở thư viện Lô Châu,
vừa dạy học trò, vừa học thuật dưỡng sinh.
Ba mươi năm trôi đi. Chiều ấy, Tôn Chấn Khiêm đang ngồi dạy học trò
thì thấy đạo sĩ đến. Hai người trò chuyện thân mật cả mấy ngày.
Trước khi đi, đạo sĩ dặn Khiêm hãy rời Lô Châu đi nơi khác, nơi đây sắp gặp nạn binh hoả.
Quả nhiên Lô Châu tan nát, người chết như rạ sau một trận chiến tàn khốc giữa Quốc Cộng.
Từ đấy không ai biết Tôn Chấn Khiêm đi đâu.
Đời nhà Đường có tôn sư tướng học Viên Thiên Cương tinh tường những bước vinh nhục cùng thông của đời người.
Có lần ông gặp mẹ của Vũ Tắc Thiên, ông bảo:
- Bà tất sinh quý tử.
Bà mẹ dắt con gái cho ông coi tướng nó, nhưng bà lại giả dạng đứa
nhỏ thành con trai. Thiên Cương nhìn mắt và dáng đi của nó, ngạc nhiên
mà nói rằng:
- Mắt rồng cổ phượng, cực kì quý hiển, nếu nó là con gái nhất định sẽ làm thiên tử.
Về sau Vũ Tắc Thiên làm vua.
Thứ sử họ Vương nhờ Viên Thiên Cương chọn chồng cho con gái.
Trông khắp mọi người mà thứ sử định chọn, Cương đều lắc đầu bảo
chẳng có ai đáng mặt cả. Rồi đề nghị người con trai họ Diêu. Thứ sử ưng
thuận. Thiên hạ đều cười vì Diêu Tử Sùng suốt ngày múa gậy, đánh đao,
năm nay 23 tuổi chưa biết sách vở là gì. Thế mà từ khi làm rể thứ sử,
Sùng học đâu biết đấy nhanh gấp mười người khác lại thêm sức vóc khoẻ
mạnh. Gặp thời thế, Diêu Tử Sùng nhờ nhúng tay vào ít nhiều âm mưu, phe
Sùng thắng thế giúp vua Huyền Tôn lên ngôi. Huyền Tôn phong Sùng làm
chức Quốc Công. Chừng bảy năm sau, Diêu Tử Sùng lên chức vị tể tướng.
Quan đại thần Bảo Cưu lúc còn khổ ở Kiến Nam, gặp Viên Thiên Cương
lúc ấy cũng đang ba đào. Đồng bệnh tương lân nên họ chơi với nhau rất
thân. Một hôm, Viên Thiên Cương nói với Bảo Cưu rằng:
- Bác có tướng mạo anh kỳ, đầu có phục tê quán đỉnh (sống mũi cao
chạy thẳng tới trán) và ngọc trẩm (xương gồ sau gáy). Trán phẳng mà cao.
Mười năm nữa bác sẽ phú quý, đại hiển công danh. Bác nhớ là tướng thuật
của tôi chẳng mấy khi sai.
Bảo Cưu nói:
- Nếu đúng như lời bác, tôi chẳng bao giờ dám quên ơn.
Mấy năm sau, Bảo Cưu nhờ thời thế mà đổi thay, mà có nhiều may mắn,
ngày càng quyền cao chức trọng lên tới chức Bộ Xạ, Cưu cho mời Viên
Thiên Cương đến cộng hưởng phú quý. Trông thấy Bảo Cưu, Viên Thiên Cương
nói:
- Tướng cách và khí sắc ông nay vẫn như xưa chỉ hiềm đôi mắt chuyển
màu đỏ, tiếng nói hư phù, mặt đỏ. Ông làm tướng đa sát, xin từ tâm lại
mới hay.
Bảo Cưu nghe lời Cương bỏ tính hiếu sát, đối đãi với dân chúng rất khoan hoà, nhân ái.
Lúc vua Đường Cao Tổ vời Bảo Cưu về triều, Cưu hỏi Thiên Cương chuyến đi này lành dữ thế nào?
Cương nói:
- Tất được ân mưa móc, lên bậc trọng thần.
Lần ấy, Bảo Cưu được vua phong chức đô đốc.
Lý Kiều lúc nhỏ đã năng thi phú, anh em họ Lý thường chết yểu. Bà mẹ đón Viên Thiên Cương về coi tướng cho Lý Kiều.
Cương bảo: Lý Kiều tinh thần tuy thanh khiết nhưng khí đoản sợ không thọ.
Bà mẹ nghe lấy làm lo lắng. Còn Lý Kiều chẳng cho lời Cương là
đúng. Bà mẹ thương con, vật nài xin Cương xem kỹ cho và tìm cách nào
chữa cho, nếu không dòng họ Lý sẽ tuyệt tự. Cương nể tình ở lại quan sát
Lý Kiều mấy ngày.
Một đêm, Cương nằm ngủ say mà Lý vẫn chưa ngủ. Đến canh ba, Cương
tỉnh dậy nhìn Lý ngủ, không hề nghe thấy tiếng thở, sờ vào chân tay thân
thể nóng ấm điều hoà. Để tay vào tai, hơi thở như chui ở lỗ tai ra.
Viên Thiên Cương hoảng nhiên tỉnh ngộ biết mình nói sai. Sáng sớm Cương
bảo bà mẹ rằng:
- Lý Kiều là quý thọ chi tướng, sau này sẽ hiển đạt vì Kiều ngủ êm
tĩnh như con rùa thuộc tướng Qui tức (rùa ngủ). Tuy nhiên Kiều không bao
giờ giàu.
Sau Kiều làm quan to dưới triều Vũ Tắc Thiên, tính thanh liêm nên nhà cửa thanh bạch.
Vua nghe tiếng đến tận nhà coi thấy chiếu màn Lý nằm bằng vải xấu xí đã cũ, thở dài mà nói:
- Quan tướng quốc nghèo đến thế sao?
Rồi vua truyền mang chiếc màn của chính mình cho Lý Kiều.
Từ khi nằm cái màn rồng phượng của vua ban, chẳng đêm nào ông ngủ
yên giấc. Ông bèn viết sớ xin vua cho nằm chiếc màn cũ và nói lời thầy
tướng đoán mình không được hưởng giàu sang.
Huyện Đài Sơn có người bán thịt tên là Trần Đại Niên quanh năm ngày
tháng nấu nước sôi cạo lông heo, chọc tiết, xả thịt và chán ngấy cái
đời đó. Nghe thiên hạ đồn đại vùng Lạc Thuỷ đang buôn bán thịnh vượng,
đến đấy làm công cũng nhiều tiền. Niên muốn đi lắm nên mới nhờ làng nói
với Viên Thiên Cương coi tướng dùm cho, Cương nói:
- Cung dịch mã (Thiên di) động sắc, năm nay 30 tuổi đang thuận vận
đi được. Làm ăn có khá hơn ở quê nhà, sang vận mà phát đạt có vốn. Nhưng
tướng chú thuộc cách xuân thuỷ hồi trào đến năm 49 tuổi lại trắng tay
trở về nghề bán thịt.
Qua năm, Niên đi Lạc Thuỷ giặt thuê cho xưởng nhuộm. Nhờ thực thà,
chăm chỉ, ông chủ yêu cho coi sổ sách. Xưởng nhuộm phấn phát, ông chủ
cho Niên một số vốn riêng. Có tiền rồi Trần Đại Niên “vinh qui” trở về
làng. Tại Đài Sơn, cơ sở thương mại của Niên khá lắm. Đúng năm 49 tuổi,
bỗng dưng phát hoả thiêu rụi mất hết. Niên đành phải trở lại nghề cũ
kiếm ăn cho đến chết.
TƯỚNG ANH HÙNG
Anh mâu ánh ánh hề chế điện
Hào khí hề thổ hồng
(Ánh mắt sáng như điện
Hào khí đẹp như cầu vồng).
Nói đến cùng nghĩa của chữ Quý, tướng anh hùng là quý nhất và thế
gian hiếm có. Anh hùng thất bại hay hào kiệt thành công đều đáng sùng
bái quý trọng, người ta thường nói giai nhân và anh hùng thường khó
kiếm. Thực ra chỉ có anh hùng mới khó kiếm, chứ giai nhân thì đầy rẫy.
Tứ hải giao du hào kiệt thiểu
Bán sinh tri kỷ mỹ nhân đa
Tướng anh hùng chỉ ở hai mắt và hoà khí trong người. Mắt đen phải
có hào khí mới là anh hùng. Thế gian thiếu chi người mắt đẹp nhưng mắt
đẹp đi đôi với hào khí thì hãn hữu.
Nhiều kẻ mục quang ánh sáng mà ưa làm anh hùng thì chỉ là phường
khoác lác, hoa dạng thôi không có thực. Tướng mắt sáng đồng ý thông minh
hơn người, nhưng không có hào khí thì thông minh dễ thành học lỏm học
mót chạy theo hầu hạ người.
Nói anh mâu (con ngươi sáng quắc) là chỉ hai mắt thần thái mạnh.
Nói hào khí là nói khí tiết trong sạch chí lớn nguy nga. Khí tiết trong
sạch và chí lớn nguy nga ấy làm gì có hình tượng, vậy phải coi tướng ở
đâu? Coi ở ngôn từ lỗi lạc, thanh âm đầm ấm, phong thái điềm đạm, quảng
đại.
Nói như trên quá lý tưởng. Lý tưởng quá làm sao thấy anh hùng. Vậy
nên xuống thấp một bậc để cho cõi nhân hoàn có thể nhiều anh hùng hơn.
Sách “Nhân Luân Thống Phú” đưa ra ba loại:
- Loại thứ nhất, mắt sáng phóng thần quang. Loại này đa số hình dài
vuông vắn, người tròn rất ít, nhưng da thịt phải kiên thực (chắc chắn
khoẻ mạnh). Về phong độ thường nhật đối với mọi người bất phân phú quý
bần tiện, bất phân tân tri cựu vũ (bạn mới bạn cũ), ai cũng như ai. Đầy
tình cảm nghĩa khí mà không bị mê hoặc bởi nịnh nọt. Nhất đán định làm
gì can đảm kiên trì đem hết sức lực, lời nói nặng ngàn vàng.
- Loại thứ hai, nhãn thâm trầm hơn, trạng mạo quật cường. Trước mỗi
việc chưa quyết thường tâm tư mặc lự suy nghĩ chín chắn. Không bị động
tâm bởi lời chê tiếng khen. Ý chí cực kiên cường. Nhẫn được tất cả những
gì mà người đời không nhẫn nổi. Đảm đương gánh vác. Gan dạ hào sảng,
khí độ thâm trầm. Vì chí lớn nên thường chịu khổ. Cho nên hình mạo phần
lớn gầy và dài, khí sắc xanh trắng như thiếu máu, lao bác phong sương.
- Loại thứ ba, lông mày rộng, mắt lớn, thần cường cốt tráng, thể
phách hơi thô không biết đầu cơ thủ sảo, không biết xu phụ, cái gì cũng
thẳng mực tàu. Tư tưởng đơn giản, ghét rườm rà văn vẻ, không thích bị
câu thúc, giận hay cười, trực xuất quên hẳn hình hài. Mọi qui củ của thế
tục đều ghét. Sớm chiều cần phải làm điều nghĩa dù cho phải nhẩy vào
lửa cũng chẳng từ.
Nếu lấy mẫu người điển hình thì:
- Trương Lương thuộc loại thứ nhất.
- Hàn Tín thuộc loại thứ nhì.
- Hạng Võ thuộc loại thứ ba.
Dĩ nhiên loại thứ ba nhiều hơn hai loại trên.
Một cuộc dấy nghĩa, một cuộc cách mạng phải đủ cả ba loại anh hùng
mới thành công. Nếu chỉ có anh hùng loại ba thôi thì phong trào tuy mạnh
nhưng dễ bị tan vỡ kiểu như Spartacus, Pugatchev, Commune de Paris, Lý
Tự Thành v. v...
Đại sự trong lịch sử, điểm quan trọng nhất là con mắt biết anh
hùng. Trương Lương không tìm đến Hàn Tín mà bán kiếm thì làm gì có trận
Cai Hạ.
Coi tướng Quý cần phân biệt với Hiển. Hiển không phải là Quý. Nếu
phải đánh đổi chữ Hiển lấy chữ Quý, đổi ngay thế mới là chân quý. Lấy
Hiển mà làm Quý là giả quý.
TƯỚNG KẺ ÁC
Thế thượng ác nhân đa.
Trên đời lắm kẻ ác. Lắm kẻ ác mà nhìn thấy không ra nên thế sự mới
sinh lắm chuyện. Tại sao nhìn không ra? Tại vì hễ đã là kẻ ác thì thường
nó phải cố tạo ra cử chỉ khiêm cung để che giấu tâm địa rắn rết. Rất
may ác nhân hay lộ trên hình tướng. Sách cổ nhân để lại ghi tướng ác như
sau:
- Đứng đằng sau gáy trông thấy hàm (hàm gồ lên bạnh ra).
- Đi chân nhển lên không đụng tới đất.
- Trán hôn ám.
- Con ngươi đục như mắt cá.
- Hình giống con heo.
- Tóc vàng, con ngươi đỏ.
- Mắt như mắt gà, tròn, trợn trừng, lơ láo.
- Mắt trông thấy bốn phía lòng trắng.
- Gò mắt cao mà ăn lấm nhấm như chuột ăn.
- Đầu thật lớn mà mắt nhỏ.
- Mắt ba cạnh.
- Quang mắt lấm lét như mắt chuột.
- Mặt tro than.
- Mũi gẫy gồ lên ba khúc, hoặc lồi lõm ba khúc.
Tướng kẻ ác thường đi đôi với tướng hung tử. Trông thấy những người
mang tướng ấy dù có nói khéo thế nào cũng chớ có gần. Cộng tác sẽ bị
lừa, bị phản, đi chơi chung sẽ bị tai nạn.
LUẬN VỀ LÝ THUYẾT TƯỚNG DO TÂM SINH
Cái lý thuyết do tâm sinh khiến cho nhiều người chán ghét tướng số.
Định mệnh là định mệnh, nay tâm đổi được mệnh thì nói định mệnh làm
quái gì. Có người lý luận cho rằng lý thuyết tướng do tâm sinh cốt để hù
người ta khuyên nên cải ác vi thiện vì sợ rằng thiên hạ khi đã biết số
mệnh mình như thế rồi thì cứ tạo ác càn phứa đi vô cấm kỵ. Số căn cứ
trên ngày giờ tháng năm sinh làm sao đổi?
Lý luận quá khích thì nó đến chỗ cùng và khó trả lời. Tuy nhiên,
tướng do tâm sinh có phần đúng. Vì cả tướng lẫn số đều có đổi, biến
tướng và biến số. Như đã nói ở trên, ông trời của khoa tướng số là ngũ
hành chứ không phải là ông trời quyền sinh quyền sát, là âm dương vận
chuyển chứ không phải là Thượng Đế vạn năng định đoạt.
Số mệnh có đổi là thế nào?
Tỉ dụ: Nói số mệnh này ở phương Nam tốt hơn phương Bắc. Kẻ vào Nam
sống khá, kẻ lên Bắc bần hàn. Vào Nam lên Bắc phải có phần nào nhận
định, tạo nên sự thay đổi của số. Biến tướng cũng vậy, có đôi mắt ác mà
tâm hiền dần dần mắt sẽ bớt ác. Mắt càng bớt ác bao nhiêu càng tránh
được sự hung tử bấy nhiêu.
Đổi theo định luật tướng số mà thôi chứ không đổi tuyệt đối ở Bắc ăn mày, vào Nam làm vua.
Tướng ác hay đi với bần (nghèo). Giảm tướng ác (nghèo) đỡ đi chứ không thể giầu lên.
Mệnh căn và tướng căn vẫn còn ví như hạt giống tốt, tâm với nhân
định ví như chất bón và khí hậu. Dĩ nhiêu, khí hậu và chất bón không thể
làm hạt giống đã bị đun sôi mọc thành cây lúa.
Tướng do tâm sinh. Tướng tòng tâm diệt là vì vậy. Nó có tác dụng
đối với số mệnh và tướng cách đủ điều kiện tiếp nhận lẽ sinh diệt ấy mà
thôi.
Ngoài ra, con tâm người ta vẫn còn để chọn lựa. Cùng một tướng hung
tử nhưng có kẻ chết trong quán rượu, cao lâu, có kẻ chết nơi sa trường,
có kẻ chết ở pháp trường. Khí chất tạo thành sự khác biệt cho tướng số
hung tử.
Còn cái chuyện như ông Bùi Độ lúc đi thầy tướng bảo Độ tướng ăn
mày, khi về thầy tướng bảo Độ tướng đại thần chỉ vì cái tâm nhân hậu của
Độ đã bắc cầu cho lũ kiến thoát chết khỏi vũng nước, là chuyện hoang
đường để nhấn mạnh cái lý tâm sinh tướng.
Tâm con người ta, nho gia gọi là Linh Đài, đạo gia gọi là Linh Quan
và Phật gọi là Linh Sơn. Lục phủ ngũ tạng tâm làm chủ coi hồn phách, lo
cho sự động tĩnh của tinh, khí, thần.
Tâm là chỗ tính trú ngụ, không có tâm tính không tồn tại. Tinh với tâm chú ngụ một thể, nói tâm tốt hay tính tốt cũng vậy.
Tâm tính ảnh hưởng đến đời người nhiều lắm. Người đời có cả trăm tâm tính.
Tính trung lương, từ thiện, cao thượng, cương trực, thủ phận, cẩn
thận, đại độ, chừng mực, tham lam, quái quắt, keo bẩn, hồ đồ v.v… đều có
thể hiện ra tướng mạo. Do tướng mà biết tâm thì ngược lại, do tâm có
thể chuyển tướng.
Tướng thanh cao thường đi đôi với tâm thanh cao, đồng thời số cũng thanh cao.
Sách xưa kể:
“Cao Hiếu Toàn và Cao Hiếu Tích là hai anh em sinh đôi ra đời cùng
một giờ khắc. Lớn lên, cả hai tướng mạo giống hệt như nhau từ cử chỉ đến
ngũ quan lục phủ như hai giọt nước. Cùng học một thầy, văn chương tinh
thông, chẳng kém ai hết. Cùng đỗ cử nhân. Cùng lấy vợ, cha mẹ sợ vợ
không phân biệt nổi có thể xảy ra sự lầm lẫn nên bắt cả hai anh em ở
riêng và mặc quần áo màu riêng.
Một hôm hai anh em gặp tướng sư Trần Hi Di, tiên sinh nói:
- Tướng hai anh em phong thần tú dị, mi thanh mục tú, mũi thẳng môi
hồng, tai trắng, tất nhiên đỗ cao, đồng mệnh, đồng vận, đồng tướng thật
lạ.
Đến mùa thu, hai anh em cùng vào kinh ứng thí, ở trọ nhà họ bên
ngoại. Cạnh nhà có người đàn bà goá chồng trông thấy hai anh em Toàn và
Tích tài mạo tốt đẹp động lòng dục tình tìm cách quyến rũ. Tâm tính Toàn
yêu học hơn khoái tình nên kế hoạch của goá phụ bất thành. Trở qua Hiếu
Tích thì Tích bị ngay với goá phụ vẫn còn mơn mởn đó. Chuyện thông gian
có người biết mách cho nhà chồng hay, goá phụ xấu hổ gieo mình xuống
sông.
Thi xong, hai anh em về gặp lại Trần Hi Di tiên sinh để coi xem liệu có đỗ không.
Hi Di quan sát cẩn thận, ngạc nhiên nói:
- Lạ thật, hai anh em tướng mạo đại biến, anh tốt em xấu, tương lai
sẽ khác nhau như mây với bùn. Hiếu Toàn sắc mặt hồng hào, mắt sáng tựa
ngôi sao nhất định sẽ đỗ cao. Hiếu Tích đôi mày ám hãm, môi thâm, mũi có
sắc đen sắc đỏ, tai xám, thần sắc khô hại chẳng những không đậu mà còn
yểu thọ nữa.
Ngày coi bảng, quả nhiên Hiếu Toàn đậu tiến sĩ còn Hiếu Tích không có tên, buồn phiền uất ức mà chết.
Toàn sau làm quan to, nhân ngày ăn thượng thọ 70, nhớ tới người em mới gọi con cháu kể cho nghe vụ Hiếu Tích.
Ghi chép việc Hiếu Tích, Trần Hi Di tiên sinh nói:
- Tướng mạo người ta dễ thấy, nói mệnh lại rất khó. Mệnh do trời,
tướng ở người. Ứng với thiên thời hợp việc người, đời đời sung sướng.
Tinh thần con người ta chợt tụ chợt tán, chí khí lúc kiên lúc lỏng. Có
bên trong tất thành hình ra bên ngoài không thể che giấu được.
Tạo vật mang cái tâm đại công vô tư, phúc sẽ mất đi bởi gây ác
nghiệt, tội có thể giảm nhờ vun xới thiện căn. Sinh ở trong tâm tất phát
ra ngoài mặt. Cho nên hoạ phúc trên đời hoàn toàn do người gọi đến. Hậu
sinh nên suy ngẫm.
Tôn sư tướng học Ma Y dạy về tướng tâm rằng: “Hữu tâm vô tướng,
tướng tuỳ tâm sinh, hữu tướng vô tâm, tướng tuỳ tâm diệt”. (Tâm là tiên
thần của ngũ quan, nguồn gốc của trí lự, thiện tâm được phú, ác tâm gặp
họa).
Sách có câu thơ:
Nhân luân hà xứ định khô vinh
Tiên tướng tâm điền hậu tướng hình
Tâm phát thiện đoan chư phúc tập
Thời tàng độc hại họa tùng sinh
nghĩa là: Đoán định bước vinh nhục của người đời trước hết hãy xem
tâm sau mới đến hình. Tâm thiện thì phúc tụ tập, lòng độc hại thì hoạ
kéo đến.
Người trồng cây cảnh người chơi
Ta trồng cây đức để đời về sau.
Câu ca dao bình dân ấy không phải vô căn cứ. Đời về sau chưa thấy,
nhưng chắc chắn không có thể nhờ cậy đức mà thoát được vận xấu để lại
tiếp tục mệnh. Mệnh tốt, vận xấu mà tâm ác thì vận xấu và tâm ác sẽ cắt
đứt luôn mệnh. Điều này rất có lý chứ không mê tín. Vận đã xấu nay lại
do tâm ác mà người ghét thì còn tồn tại làm sao được. Cho nên nói tâm
cứu cho mệnh chẳng sai chút nào. Cái chìa khoá của tướng tâm nằm ở vận
đó. Ác tâm tạo nghiệt, mình đợi tới lúc vận xấu nó mới sinh hoạ như vi
trùng đợi lúc sức yếu mới hoành hành. Vì đã nói mệnh tất phải nói vận.
Thế gian hiếm thấy lá số nào mệnh tốt mà suốt đời không có vận xấu.
Tam phần nhân sự thất phần thiên, nói tâm tướng phải nói chí khí con người.
Hạng Võ có tướng song mục trùng đồng, thân thể khôi vĩ thế mà chết
thảm ở Ô Giang là bởi chí khí hẹp hòi. Hạng Võ đốt thành Hàm Dương ba
tháng chưa cháy hết, người bị thiêu kể cả vạn, tiếng khóc oán vang trời
đất không phải là nhu yếu chính trị mà do ác tâm, chí khí không khoáng
đạt.
Lã Vọng nói:
Khí vũ hiên ngang hữu dung nạp
Chí khí thâm viên hữu cơ mưu
Động tác sử lệnh bất khả liệu
Thời thông diệc vi công dữ hầu
nghĩa là:
Khí vũ hiên ngang mà biết bao dung
Chí khí sâu xa mà có cơ mưu
Hành động sai khiến khó ai liệu trước
Thời vận tới sẽ đáng mặt công hầu
Sách “Nguyên Đàm” viết:
“Phong tư dị, cốt cách kỳ, tái quan tài khí thiết thi vi.
Tài tế biến, ý hữu tư tiểu nhân quân tử bất đồng quy”
nghĩa là:
“Phong thái dị thường, cốt cách kỳ lạ, phải nên xem lại chí khí và tài năng.
Tài thì có tài nhưng có ý tư lợi, đấy là chỗ không cùng một điểm giữa tiểu nhân và quân tử”.
Kinh nghiệm cổ nhân về tâm tướng ghi nhận như sau:
- Tâm là gốc của hình mạo. Xét tâm thấy hình mạo ác thiện. Hành
động có thể biết hoạ phúc. Tâm tính không công bình con cháu hư, ngôn
ngữ nhiều phản phúc chính là con người quỷ quyệt. Cúi đầu nói nhỏ, loại
gian tham. Hùng hùng hổ hổ, chẳng phải là người anh kiệt. Tâm khí hòa
bình, con vinh cháu quý. Tài thiên tính chấp, dễ gặp họa cùng khốn.
Trọng giàu khinh nghèo, bất nhân. Có mới, quên cũ, bất lương. Kính già
thương trẻ, đáng tin cậy. Nói bừa nói bãi, không sống lâu. Quên ơn nhớ
tiểu oán, công danh khó thành tựu. Mới có tiền, chức nhỏ đã câng câng tự
mãn sao làm lớn giàu to. Đại phú, đại quý mà tâm hồn vẫn bình thản,
phúc thọ vô cương. Lừa đảo, dối trá dù vinh hoa cũng chẳng bền. Công
bình chính trực chết không con nối dõi cũng được phong thần. Mở miệng ra
là nói không sợ chết, lúc cần phó tử tựu nghĩa sẽ co vòi. Gặp ai cũng
coi làm tri kỉ, chơi thân là giở giọng. Làm việc lớn không than mệt
nhọc, không oán giận mới xứng đáng tài lương đống. Mê gái, ham rượu,
phường hại nhân lợi kỷ. Ngu lỗ mà còn nói lời bạc bẽo vừa nghèo vừa chết
yểu. Thông minh mà khoan dung thong thả, danh hiển yên lành.
Xem tướng Tâm ở đâu?
a) Quan sát ngôn ngữ: Chính nhân quân tử nói điềm đạm, tiếng
mạnh. Nói nhanh và lớn như ngựa phi, người hào sảng. Người cố chấp nói
như cắt sắt nghe lạnh mà vô tình. Nói bầy hầy như người đi trong bùn là
người yếu mềm, bạc nhược. Người đa nghi, hay thiếu tin tưởng, hay nói
quanh co. Nói hỗn độn, ậm ừ, sự bất thành.
b) Quan sát thái độ: Quân tử chính nhân, thái độ lớn, vuông
vắn, đứng đắn. Bọn tiểu nhân ưa nói khéo ưa làm mặt thân. Lão thành kinh
lịch, thái độ tròn trịa. Người trung dung, thái độ cẩn thận. Người sáng
trực, thái độ hào phóng, không câu nệ tiểu tiết.
c) Quan sát lối làm việc: Thấy hoạn nạn hay giúp đỡ là người
chuộng nghĩa. Thấy lợi tranh giành là bọn hẹp hòi. Nay phải, mai trái,
hồ nghi bất quyết là bọn gian trá. Quân tử thường an vận thủ kỷ. Kẻ ngu
xuẩn lúc nào cũng sinh sự.
d) Quan sát con mắt: Thông minh linh hoạt. Gan dạ mắt sáng
quắc. Chính nhân quân tử mắt ôn hoà. Hung ác mắt ba góc có sát khí. Dung
tục nhãn quang trầm trệ. Kiêu ngạo mắt ưa nhìn lên. Ích kỷ hại nhân mắt
ưa nhìn xuống. Tâm có âm mưu mắt có tà thị.
e) Quan sát tướng mạo: Người ôn hoà ngũ quan chính trực. Kẻ
thủ đoạn mặt xanh xanh, quyền cốt cao. Bọn thế lợi đầu nhọn mắt nhỏ. Đứa
gian giảo đầu mũi nhọn không có thịt. Nhãn quan đưa đẩy lưu lộ thuộc
loại phản trắc vô tình. Mặt đen xịt vô tình vô nghĩa. Da mặt mỏng dễ
thay lòng đổi dạ.
Có hai loại người mà cả khoa tâm lý Tây phương lẫn khoa tướng mạng Đông phương đều có nhận thức in hệt nhau.
Thứ nhất: Người gầy, chân thật cao, vai nhỏ cổ dài, đùi nhỏ, đít lép, sống mũi thật cao.
Loại này thường có hai mặt: bên ngoài thường dễ mắc cỡ, nhạy cảm
nhưng trong lòng kiêu ngạo vô tình. Lúc thì muốn thoát ly hiện thực để
sống trong ảo tưởng. Lúc thì lại thích lý luận thực tiễn. Khi làm việc
gì cứ ngoan cố theo ý mình, bất chấp ý kiến người khác. Loại này có thể
có tiếng tăm nhưng nhạt nhẽo ít gây được thiện cảm như Henry Ford,
Bertrand Russel...
Thứ hai: Người mập mạp, thịt chắc chân tay, cổ ngắn, mặt
vuông chữ Quốc, sáng sủa dễ gây cảm tình quần chúng, giỏi thu thập những
tài của kẻ khác để dùng vào việc của mình, giỏi biện thuyết như
Churchill, Krouthchev hay nhà văn Hemingway.
Tâm thần liên hệ với tướng mạo như thế đó. Vậy thì cái chuyện tướng
do tâm sinh chẳng qua là cái lý luận quanh co của khoa tướng mệnh.
Ví không đủ sức thành công nghiệp
Thì phá cho tan chí vẫy vùng
Mượn thú văn chương khuây thế lụy
Lấy tài nghiên bút đo đạo cung
.........................................
Thân thế mang oán sầu tủi nhục
Tài hoa trơ lại tập văn chương
Đã già thân thế cùng nông nổi
Mà vẫn bồng tang với đoạn trường
Những câu thơ của TCHYA chính là tâm tính của một số người tài hoa
ta thường gặp, do tính khinh bạc mà mệnh mỏng, hay nói khác đi, đây là
tâm tướng của những người bất đắc chí.
Theo tướng pháp, người tài hoa thông minh có ba điều kỵ:
- Anh hoa phát tiết.
- Tâm tính khinh bạc.
- Thân thể yếu đuối.
Điều kỵ thứ ba đã nói ở chương trên. Anh hoa phát tiết sẽ nói sau.
Chương này chỉ nói đến tâm tính khinh bạc.
Thời nhà Minh, đầu đời nhà Thanh, một trong tám đại tài tử là Kim
Thánh Thán, đại phê bình gia của văn học Trung Quốc nổi danh thiên hạ về
văn chương cũng như về tâm tính khinh bạc. Lời phê bình của ông như dao
cắt vào da thịt, khiến cho kẻ bị phê bình chết đi mà vẫn còn đau xót ân
hận.
Văn ông làm rất nhanh, cầm bút viết thao thao đủ lối tục có, nhã
có. Nhưng tâm hồn ông sớm chán đời. Nguyên do bởi đâu, chính thức không
ai rõ, chỉ theo truyền thuyết nói rằng:
Lúc Thánh Thán còn là học trò, tên Trương Thái, có đến Trung Tiêu
Tự cầu mộng. Đêm ấy ông nằm mơ thấy một cây rất cao không có lá chỉ trơ
cành, trên cành có một con cú đậu cô độc thê lương. Tỉnh dậy, ngẫm nghĩ
điều mộng tương lai sẽ là một kẻ sĩ cố cùng chua chát và bất đắc dĩ mà
thôi. Từ ấy, ông từ bỏ mọi tham vọng cầu quan tước và sống phóng đãng
giang hồ. Cũng từ đấy tài hoa của ông mỗi ngày một nảy nở để trở thành
tên Thánh Thán.
Trên bước giang hồ, ngày ấy tháng ấy, Thánh Thán có gặp một thầy tướng bảo ông rằng:
- Tướng tiên sinh có ba độ loạn văn, ấn đường, mũi và địa các. Nay
nhãn thần đã thoát, nhân trung khí sắc xanh đen, nội trong một trăm ngày
tới hoạ sẽ tới, xin tiên sinh cẩn thận.
Thánh Thán nghe lời về nhà đóng cửa đọc sách, ngâm thơ, uống trà.
Được 98 ngày rồi, ông mới mở cửa đứng xem phố xá, thì chợt có một đám
đông kéo đến. Đám đông ấy toàn là nho sinh, họ trông thấy Thánh Thán bèn
tụ tập trước nhà ông. Thánh Thán hỏi nguyên do. Họ kể việc huyện lệnh
họ Ngô cam kết với học quan bán bằng cấp trong khoá thi vừa qua. Nay họ
định đến dinh học quan để biểu tình tố cáo. Thán nói:
- Hãy đem tượng Khổng tử ra khỏi nhà Văn miếu mà đem thần tài vào đấy mà thờ.
Đám đông nghe nói làm theo y lời Thánh Thán. Tất cả kéo đến Văn
Miếu. Viên huyện lệnh sợ phong trào lan rộng nên đem hết quan binh đàn
áp. Bọn học trò chạy hết chỉ còn Thánh Thán đứng đấy, bị quan binh trói
bắt.
Để che đậy tội tham nhũng, huyện lệnh lập kế vu cáo Thánh Thán xúi giục dân chúng làm loạn.
Cho có bằng cớ, huyện lệnh chép hai câu thơ mà Thánh Thán làm trong bữa tiệc để vịnh hoa mẫu đơn màu đen:
Đoạt chu phi chính sắc
Dị chủng dã xưng vương.
nghĩa là:
Màu đen không phải là sắc chính của hoa mẫu đơn
Thế mà tuy giống khác cũng xưng vương.
Ý ông muốn chửi bọn Mãn Thanh khác giống vào xưng vương ở Trung Quốc.
Triều đình kết tội Thánh Thán làm loạn bắt chết chém ngang lưng.
Cái chết của Thánh Thán cũng giống như cái chết của thi sĩ Cao Bá Quát.
Chết vì tâm tướng khinh bạc.
HÌNH TƯỚNG CẦM THÚ CỦA CON NGƯỜI
Người là vạn vật chi linh, đồng thời, người cũng là một loại động
vật. Bởi là vạn vật chi linh nên người có thể mang hình tướng của đủ mọi
cầm thú.
Tướng cầm thú của con người có thể lấy hình mà so hoặc lấy ý mà thấy. Có vài tướng cầm thú thường hay được nhắc đến là:
Tướng con heo, tướng hầu, tuy nhiên, nếu không học tướng pháp thì
cũng chẳng hiểu tướng heo có những đặc điểm gì để biết bằng hình cách
như tướng cò, tướng rùa, ngựa, chó, dê, trâu, v.v... Dĩ nhiên, nói tướng
heo nhất định không có nghĩa là heo thật, vậy phải dùng tâm pháp để
biện nhận cho tinh tường.
Thế nào là lấy ý để thấy?
Thí dụ: Trông khí vũ hiên ngang là hình sư tử.
Người tròn mặt gầy là hình vượn. Mắt tròn miệng thật rộng đi rất nhẹ là hình hổ.
Thế nào là lấy hình để so?
Tỉ dụ: Mắt nhỏ trên cái mặt thật bự là mắt heo, mắt nhỏ màu vầng đỏ, nghểnh cổ mà nhìn là mắt gà.
Tướng cầm tướng thú đã thành hình cục thì tính chất phú quý, bần
tiện thọ yểu càng rõ rệt, đồng thời ở trong hình cục, những tướng gì
tách riêng ra thì là rất xấu lại không còn xấu nữa, tỉ dụ: Ngồi đứng
không yên vốn xấu nhưng nếu vào tướng hầu (khỉ) lại tốt bởi vì nó vào
bộ.
Sách “Tướng Lý Hành Chân” ghi rõ tướng cầm thú như ở dưới đây:
- Mắt dài, mũi cao, mắt tròn lớn sáng, xương to, thân thể lớn cao, mày đẹp, cử chỉ xuất chúng uy quyền là tướng rồng.
- Đầu to, miệng rộng, mũi nở, thân dài, mắt thật đen, sáng quắc, đi trông oai vệ và nhẹ, tiếng nói oang oang là tướng hổ.
- Xương đỉnh đầu cao nhọn, bước đi dài, mặt hơi vênh, tai ở vị trí trên đầu, mắt sâu, mày thô, xương hàm bạch là tướng kỳ lân.
- Mắt lớn, con ngươi đen, sơn căn lõm, miệng vuông rộng, mũi lớn và lông mày thật rậm là tướng sư tử.
- Đầu to, trán rộng, ấn đường thật lớn, mũi hếch, mặt vênh, đi rất nhanh là tướng tê giác.
- Mặt nhỏ gầy, mắt tròn, tai nhọn, mũi nhỏ, tay nhỏ dài, thân tròn lẳn là tướng vượn.
- Quyền cao, mắt sâu, mặt nhỏ vàng, tai nhọn, mũi vát, hiếu động và nhát là tướng khỉ.
- Mắt tròn đầu nhọn, mày đậm mũi cao, đi chậm, lưng thật lớn là tướng rùa.
- Thân thể to lớn, tính trì chậm, đầu nặng, ăn chậm, đi chậm là tướng trâu.
- Mắt tròn đen, miệng nhọn, thân thể nhỏ bé, lưng khum thích ngồi xổm, ưa đi đêm là tướng chuột.
- Đầu dài, trán phẳng, mặt nhỏ, mắt tròn, miệng rộng, thân dài, mắt
đỏ, mũi dài, dáng đi như trườn, đầu lắc lư, mặt ngẩng lên là tướng rắn.
- Mặt dài, mắt to, trán rộng, tai nhọn, răng to, lưng dài, đi nhanh vội vã là tướng ngựa.
- Đầu vuông, mặt lớn, không có lưỡng quyền, cằm nhọn, miệng chúm có
nhiều râu cằm, mắt đục lờ, chân ngắn, đầu lắc lư là tướng dê.
- Mắt tròn, cổ rụt, tai nhỏ, mày thưa, miệng dúm, thân dài là tướng cá.
- Đầu lớn, mắt sâu nhỏ, miệng dẩu, hai má sệ, cổ rụt, tai nhỏ, ăn nhiều là tướng heo.
- Mắt lồi, tai vểnh, thân hình tròn mập, tính hay sợ, đi đứng nằm ngồi xiêu vẹo là tướng dã nhân.
- Mi cốt (xương mày) gồ cao, răng lộ, mắt lồi, râu cứng, mà thưa là tướng con tôm.
- Mặt và tai đều dài, mắt vàng trắng, đi nhanh, tiếng nói thô là tướng lừa.
- Cổ lớn, mặt đỏ, mày mắt hiền hoà nịnh nọt, tính vội hay dối trá là tướng cáo.
- Đầu nhỏ, mắt tròn, mày nhỏ, tai nhọn dài, mũi nhỏ, mặt đỏ là tướng thỏ.
- Đầu vuông, trán rộng, xương thô, mắt tròn, miệng rộng, lưng gồ,
cổ dài, miệng chúm, tóc thô, chân tay dài, tiếng nói trầm đục là tướng
lạc đà.
- Mắt dài, mày dài, mũi cao rộng, cổ dài, thân nhỏ, trán cao, tinh
thần tú lệ, tiếng nói thanh quý, chân dài là tướng con phượng.
- Mắt chảy xuống, chân nhỏ, trán thô, cổ dài, bước dài, tính tình hiền hậu là tướng hạc.
- Đầu vuông, trán cao, mũi quặp, mắt tròn, con ngươi đỏ, vai so, tính vội là tướng chim ưng.
- Miệng nhọn, mắt nhỏ, cổ dài, chân ngắn, mũi lép là tướng con ngỗng.
- Mắt dài, cổ ngắn, đầu mũi tròn, bước nhanh, hay nói và nói hay là tướng con vẹt.
- Mặt nhỏ, mình lớn, tính tình chậm rãi, ưa làm dáng là tướng con công.
- Mặt hồng hào trắng, mắt tròn xoe và mơn trớn nũng nịu là tướng
uyên ương (dành cho đàn bà, nếu đàn ông phạm tướng này chỉ đi làm tên
đồng đực).
- Đầu nhỏ, mặt nhỏ, mắt vàng, chân gầy, thân nhỏ, trán ngắn, tai mỏng, hay nghểnh cổ là tướng con gà.
- Thân hình mập chắc, chân ngắn, mặt nhỏ, mắt dài nhỏ, bước đi chậm, tiếng nói khàn khàn là tướng con vịt.
Coi tướng vào hình cách cầm thú, mỗi người phải đủ toàn bộ mới là thực, nếu chỉ được một tướng thôi là không phải.
Tỉ dụ: Tướng con tôm gồm có mi cốt gồ cao, răng lộ, mắt lồi, râu
cứng. Nếu có tất cả thì sang quý, nếu chỉ có tướng mắt lồi không thôi là
tướng yểu.
Biết kỹ về tướng hình bộ cầm thú rất cần vì nếu chỉ xem tướng bộ vị
ngũ quan, ngũ nhạc, ngũ quan, lục phủ, trong trường hợp gặp tướng người
nào vào bộ cầm thú thì sẽ bị nhầm lẫn.
Tỉ dụ: Gặp tướng mắt lồi, nếu không tìm xét có phải tướng con tôm không mà bảo nó là tướng yểu là sai bét.
Do đó, hình bộ tướng cầm thú cần phải thuộc cho kỹ. Cổ nhân đặt
thành thơ cho những tướng cầm thú, lời đoán cho mỗi tướng rồng, hổ, báo,
v. v.. cũng ghi luôn cả trong đó.
LONG HÌNH
Thể thể như phi uyển nhược long
Mỹ nghiêm đầu đốc dị phàm dung
Uy nghiêm biến thái thành nan trắc
Thiên hạ văn danh ngưỡng tiêu ung
(Nghĩa là: Thân thể to lớn nhanh nhẹn - Râu đẹp, đầu có góc cạnh
khác phàm - Uy nghiêm nhưng sáng suốt, nhiều mưu khó ai biết - Thiên hạ
tôn sùng kính phục).
KỲ LÂN HÌNH
Đầu quảng mi thô tư hải hoành
Nhũ cao nhục hậu hắc tinh bình
Lân thân thể tráng thành hùng thể
Tá quốc trung lương độc bỉnh danh
(Nghĩa là: Đầu lớn, mày thô, hàm rộng lớn - Tai cao, da thịt dày,
mắt đen - Thân thể cường tráng, hùng dũng - Làm khai quốc công thần - Về
tướng kỳ lân không ai biết thực sự nó là con gì, có lẽ giống đã mất từ
lâu không ai biết, qua các tác phẩm điêu khắc, người ta thấy hao hao
giống con “pékinoise” nhưng thân thể chắc lớn hơn nhiều).
SƯ HÌNH (sư tử)
Sư chấn sơn hà tá chủ trung
Đầu phương ngách quảng cách mi tùng
Trẩm long cốt khởi thiên đình đột
Liệt sĩ phân mâu lập đại công
(Nghĩa là: Đầu vuông, trán rộng, mày rậm, xương sau gáy gồ lên,
đỉnh đầu có gò cao là loại võ tướng chấn giữ sơn hà lập công lớn).
HỔ HÌNH
Hổ hình tối uy nhãn đại viên
Ngách phương nhĩ tiểu khẩu dụng quyền
Thanh hùng tiện thi vị lương tướng
Nhất phiến xích tâm tại đế tiền
(Nghĩa là: tính khí oai nghiêm, mắt lớn màtròn, trán vuông, tai
nhỏ, miệng có thể nuốt được cả nắm tay - Tiếng to vang như sấm - Làm
tướng giỏi mà trung lương).
TƯỢNG HÌNH
Nhãn tựa minh châu, ngách quảng bình
Thượng hình trường hậu mỹ tam đình
Ngôn khinh hành trọng đa nhân đức
Viễn chấn sơn hà hiệp thánh minh
(Nghĩa là: mắt sáng đẹp như hai viên ngọc, thân thể cực to lớn,
tiếng nói nhẹ nhàng, bước đi nặng nề - Tính tình nhân đức - Quyền cao
chức trọng).
VIÊN HÌNH (Tướng vượn)
Ngách khoan nhãn đại lưỡng mi nùng
Tì thiểu, phát ni đới tiếu dung
Khước thi viên tâm nan trắc độ
Thiên thiên cự phú thọ nhi chung.
(Nghĩa là: Trán rộng, mắt to, mày rậm - Râu lưa thưa, tóc ít, miệng
lúc nào cũng như cười - Tâm lý loay hoay khó biết - Giàu có và thọ).
HẦU HÌNH (Tướng khỉ)
Ngách đột đầu viên hình tự hầu
Nhãn hoàng thần bạc thể khinh phù
Bình sinh mưu sự đa cơ sảo
Bất tác cao quan dã cẩm cừu.
(Nghĩa là: Trán lõm, đầu tròn, hình dáng như con khỉ, mắt vàng, môi
mỏng, thân thể gầy gò nhẹ tênh, lúc mưu sự lắm mưu mẹo - Nếu không làm
quan to cũng giàu có)
XÀ HÌNH (Tướng rắn)
Nhãn viên tế tiểu đới thanh đồng
Thần bạc thiệt trường khí tương hùng
Thân nhiệm triều cương đa độc hại
Hại nhân tính mệnh tác kỳ công
(Nghĩa là: Mắt tròn nhỏ, con ngươi hơi xanh - Môi mỏng, lưỡi dài vẻ
mạnh khỏe - Có thể làm quan trong triều, tính tình hiểm độc hại nhân
ích kỷ)
NGƯU HÌNH (Tướng trâu)
Nhãn trường bình thị diệm tuấn tăng
Thanh hướng bộ trì hữu độc năng
Ngộ đắc thử hình điền địa quảng
Túng nhiên phú túc dã vô xưng.
(Nghĩa là: Mắt dài nhìn bình thản, xương cốt lớn, tiếng nói trầm, đi chậm, tướng trâu giàu có nhiều nhà, nhiều đất).
QUI HÌNH (Tướng rùa)
Qui ngách phương bình tính tối linh
Mi nùng nhãn đại thị chân hình
Qui sương phong mãn tinh thần dị
Định tá thánh triều thả thọ, linh
(Nghĩa là: Trán vuông bằng phẳng, đầu óc linh mẫn, mày rậm mắt to đúng tướng rùa - Tướng này kho đụn đầy, quan cao, sống lâu).
PHƯỢNG HÌNH (Tướng con phượng)
Trường mi, trường nhãn cách trường đầu
Bạt tụy siêu quần học vấn ưu
Phú quý căn cơ hình dĩ định
Giao khan tha nhật tác vương hầu
(Nghĩa là: Mày dài, mắt dài, đầu dài - Giỏi giang siêu quần, học vấn hơn người - Tất phú quý đến chức vương hầu).
HẠC HÌNH (Tướng con hạc)
Đầu viên, ngách khoát mục tinh thần
Hình sưu, hạng trường ngọc khiết thân
Thanh hướng tính linh hành tự hạc
Đường đường tướng mạo tác nguyên thần
(Nghĩa là: Đầu tròn, trán rộng, mắt sáng - Người gầy cổ dài, thân
thể thanh khiết, tiếng nói ưởng lượng, đi như hạc, tướng mạo ấy xứng
đáng vị nguyên thần).
LẠC ĐÀ HÌNH (Tướng lạc đà)
Mi nùng mục trường hiệu lạc đà
Thần hòa, thanh lượng mạo nguy nga
Ấu thời đản thị phi phàm tướng
Định tá quân vương bội ngọc kha.
(Nghĩa là: Gò mi cao, mắt dài, tinh thần hiền hòa, tiếng nói lớn,
người cao to, lúc nhỏ tướng cách đã khác người, cực phẩm nhân thần giúp
vua).
LƯ HÌNH (Tướng lừa)
Lư tinh hoành bạch diện hình trường
Nhĩ đại phân minh tướng dị thường
Tảo bộ vân trình đằng đạt khứ
Tính danh bất thi đẳng nhàn hương.
(Nghĩa là: Con ngươi vàng trắng, mặt dài, tai to, tướng dị thường, thành công đỗ đạt sớm nhưng vất vả).
DƯƠNG HÌNH (Tướng dê)
Dương hình phú thọ yêu tu nhiêm
Ngọa cốt băng cơ tửu sắc kiêm
Cử động thần hòa trung thực tính
Bất tu đới nộ hữu uy nghiêm.
(Nghĩa là: Tính trung thực, nhũn nhặn, hòa nhã, ưa tửu sắc, có thể giàu, sống lâu nhưng không sang quý).
MÃ HÌNH (Tướng ngựa)
Mã hình chính diện, diện như bác
Bẩm tính ôn lương hảo khán tiên
Quân tử tỉ chi nhân hữu đức
Bằng trình vạn lý khả an nhiên.
(Nghĩa là: Mặt dài thẳng trông như hòn ngói - Phải xem bẩm tính có
ôn lương hay không - Sự nghiệp dù có đi vạn dặm cũng vẫn hay).
HỒ HÌNH (Tướng con cáo)
Tử thần hòa mị tại mi đầu
Tâm linh hảo hoạt sự đa nghi
Ưu du nhất thế vô phiền não
Lưu thủy cao sơn tính cận chi.
(Nghĩa là: Mặt hơi đỏ hung hung, tinh thần hòa nhã, nói ngọt ngào -
Lòng dạ đa nghi - Sống cuộc đời nhàn, thích ẩn một chỗ nên về già
thường điền viên khuây khỏa).
TRƯ HÌNH (Tướng heo)
Nhĩ trường diện cột thụy suy hư
Hiếu thực vô năng nhất xuẩn trư
Tính ác hoàn ưu tao cuống họa
Chỉ nghi tăng đao thủ nhàn cư.
(Nghĩa là: Tai dài, mặt lõm, ngủ ngáy như rên - Thích ăn, bất tài
ngu muội - Tính tình ác độc dễ gặp tai họa - Chỉ nên đi tu để tránh hung
tử. Câu thơ này có phần sai vì tướng heo không vô năng, nhiều người
tướng heo rất giỏi nhưng bao giờ cũng ngoan cố, có nhiều ác tính và nhất
định chết bất đắc kỳ tử).
HÙNG HÌNH (Tướng gấu)
Hùng hình thể trạng khước phi trư
Nhãn dốc thượng triều địa các hư
Thử tử hung ngoạn chung họa diệt
Tính tình da bất nhận thân sơ.
(Nghĩa là: Người mập mạp to lớn, chắc, không ục ịch như tướng heo,
mắt hơi xếch, cắm lẹm, ngu bướng dễ gặp tai họa, không cần biết ai).
LỘC HÌNH (Tướng nai)
Lộc mâu thanh hắc diện vi trường
Hành bộ như phi thọ dị thường
Tư tưởng đa vi truyền thạch khách
Tham hoa quyến liễu quá thời quang.
(Nghĩa là: Con ngươi xanh đen, mặt hơi dài - Bước đi rất nhanh rất thọ. Ngao du, mê gái, ăn chơi suốt đời).
HÀ HÌNH (Tướng con tôm)
Diện ngang tinh đột hình như hà
Sỉ lộ tu vi phú túc khoa
Ngộ đắc thủy niên vưu đắc chi
Danh trì để khuyết thụ vinh hoa.
(Nghĩa là: Mặt ngang, mắt lồi, hình thể tròn trịa giống như con
tôm, răng lộ, râu thưa giàu có. Gặp những năm thuộc thủy lại càng vinh
hoa).
GIẢI HÌNH (Tướng con cua)
Diên viên tinh lộ đới hoành hành
Tính hỉ giang hồ cưỡng bảo doanh
Mãn kiểm hòa quang kham hữu đạo
Cầu mưu tổng thi dị đồ danh.
(Nghĩa là: Mặt tròn, mắt lồi, đi ngang ngang, bước lên nhưng không
tiến thẳng mà hơi chéo ngang. Ưa giang hồ tiền bạc dễ kiếm, giao kết bạn
bè tốt, sự nghiệp tạo nên một cách bất ngờ).
NGƯ HÌNH (Tướng cá)
Ngư hình đầu súc nhãn khai miên
Thời chí vận thông vượng thủy niên
Tiểu trí nhược ngu tham tạo hóa
Nhất chiêu tế hội thế xưng hiền.
(Nghĩa là: Đầu rụt, ngủ mở mắt, trông có vẻ ngu mà thật thông minh. Gặp năm thuộc thủy rất tốt, đắc thời sẽ lên như diều).
KHỔNG TƯỚC HÌNH (Tướng con công)
Diện tiểu thân phì ái vũ mao
Bình sinh hữu khế tân anh hào
Văn chương tư mệnh lăng vân thủ
Định kiến tha niên khóa cự ngao.
(Nghĩa là: Mặt nhỏ, người mập ưa làm dáng, chơi với bạn thật hào sảng, văn chương hơn người có thể phú quý).
TƯỚC HÌNH (Tướng chim sẻ)
Tước hình mâu cấp tính tham dâm
Đa nhiếp đa kinh hỉ mậu lâm
Y thực gian tân tùy phận độ
Đắc y đại ha tích đôi kim.
(Nghĩa là: Con ngươi động, tính tham hay nhát sợ, kiếm ăn vất vả nếu khi nào được người trên thương thì có chút tiền).
NHẠN HÌNH (Tướng con nhạn)
Nhạn mục trắc mâu tiên thị mi
Đa kinh đa khủng cách đa nghi
Thiên luân hữu ái vô tương thất
Thực lộc giang hồ chỉ tư tri.
(Nghĩa là: Mắt hiếng, lo lo sợ sợ nghi nghi hoặc hoặc, kiếm ăn giang hồ).
<!--[if !supportEmptyParas]--><!--[endif]-->
<!--[if !supportEmptyParas]--><!--[endif]-->
Tướng pháp về hình cách ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, cầm thú hình cách để phân biệt quý tiện, hiền ngu.
Minh Thái Tổ mang kỳ hình quái tướng ngũ nhạc triều thiên, cho nên
xuất thân từ đứa trẻ chăn trâu lên đến ngôi thiên tử, lập sự nghiệp cho
dòng họ cả mấy trăm năm.
Quan Vân Trường mày như con tằm, mắt đan phượng, sống thì làm tướng giỏi, chết được sùng bái như vị thánh.
Trương Phi hổ hình báo nhãn dương danh bằng vũ nghiệp.
Lưu Huyền Đức long mi phượng mục, hai tai thật lớn, tay dài quá gối, quý đáng bậc thiên tử.
Cận đại, có Trần Tế Đường nhờ đôi mắt đại bàng mà anh hùng nhất khoảnh, làm vua phương Nam.
Tiết Nhạc, hình tựa con beo nên văn vũ song toàn.
La Gia Luân, học giả, làm đại sứ Trung Hoa Quốc Gia bên Ấn Độ có tướng gấu chó, tay dài mũi lớn mắt tròn.
Một trong những người có họ thuộc tứ hào Tưởng, Tống, Khổng, Trần
làm mưa làm gió trên chính trường Trung Quốc từ năm 1927 đến 1949 là
Trần Quả Phu có tướng khỉ.
Cuối đời nhà Thanh, tổng đốc Lưỡng Quảng, Trương Chí Đồng cũng
tướng khỉ. Theo dân Lưỡng Quảng kể lại thì họ Trương lưng gầy và hơi
khòng khòng, đôi mắt tròn sáng quắc, chân tay lúc nào cũng hiếu động,
dân gian hồi ấy mới có câu vè rằng: “Trương Chí Đồng toàn thân động”.
Tướng pháp nói phàm tướng khỉ thì rất khoái nữ sắc. Đồng cũng vậy,
gia nhân cho biết ngày nào Đồng cũng có đàn bà bên cạnh nếu không tất
váng đầu chóng mặt. Ngoài 60 tuổi vẫn thế. Lối ăn uống của ông cũng rất
lạ lùng, thích những thức ăn như con đuông, đông trùng hạ thảo nghĩa là
thuộc loài sâu. Trương Chí Đồng học rất giỏi, trị dân có tài, ngoài 70
tuổi mới chết.
Sách tướng ghi một câu về tướng khỉ: “Hầu tướng quý hiển nhi mỹ thê - Tướng khỉ sang quý, hiển đạt và vợ đẹp”.
TƯỚNG VÀO BỘ: NGŨ ĐOẢN, NGŨ TRƯỜNG, NGŨ LỘ, NGŨ TIỂU, LỤC ĐẠI...
<!--[if !supportEmptyParas]--><!--[endif]-->
<!--[if !supportEmptyParas]--><!--[endif]-->
Vào bộ nghĩa là nó đi cùng, hợp cùng với nhau - nói nôm na như bộ
đồ trà. Vào bộ là tướng phú quý. Tướng cách vào bộ có mấy loại ghi ở
dưới đây:
<!--[if !supportEmptyParas]--><!--[endif]-->
<!--[if !supportEmptyParas]--><!--[endif]-->
NGŨ ĐOẢN (Năm thứ ngắn)
<!--[if !supportEmptyParas]--><!--[endif]-->
<!--[if !supportEmptyParas]--><!--[endif]-->
Đầu ngắn, mặt ngắn, thân ngắn, tay ngắn, chân ngắn.
Đủ bộ ấy mà xương thịt đẹp đẽ, ấn đường rộng, ngũ nhạc triều có thể
làm tới bậc công khanh tể tướng nhưng nếu ngũ nhạc lệch lõm, ấn đường
ám hãm thì lại là người hạ tiện.
<!--[if !supportEmptyParas]--><!--[endif]-->
<!--[if !supportEmptyParas]--><!--[endif]-->
NGŨ TRƯỜNG (Năm thứ dài)
<!--[if !supportEmptyParas]--><!--[endif]-->
<!--[if !supportEmptyParas]--><!--[endif]-->
Đầu dài, mặt dài, thân dài, tay dài, chân dài.
Cần mặt sáng sủa, xương cốt không lộ, gân mạch lẩn mới tốt; nếu gân
mạch quằn quại nổi lên như giun, xương cốt thô lộ là ác tướng, nếu tay
ngắn, chân dài thì khổ cực.
NGŨ TIỂU (năm thứ nhỏ)
Đầu nhỏ, mắt nhỏ, bụng nhỏ, tai nhỏ, miệng nhỏ.
Nhỏ nhưng phải ngay ngắn không khuyết hãm, cần đủ cả năm. Nếu chỉ có ba nhỏ, hai lớn hoặc bốn nhỏ một lớn cũng vứt đi.
Không khuyết hãm là thế nào? Là không héo hắt, sâu lõm đen ám hãm.
NGŨ LỘ
Mắt lồi mũi hếch, tai lộ, môi cong, yết hầu lộ.
Nếu chỉ một hay hai lộ thì có quần không có áo hoặc chết ở ngoài đường lộ.
Nếu đủ ngũ lộ thành đạt lớn.
Ông Khổng Tử mang tướng ngũ lộ.
LỤC ĐẠI (Sáu thứ to)
Đầu to, mặt to, tai to, mũi to, miệng rộng, bụng to.
Phú quý anh hào.
BÁT TIỂU (Tám thứ nhỏ)
Đầu nhỏ, mặt nhỏ, mắt nhỏ, tai nhỏ, miệng nhỏ, mũi nhỏ, tiếng nói nhỏ.
Quý cách.
Tướng vào từng bộ trông bên ngoài bao giờ cũng thấy xấu theo tục nhãn.
Đời vua Càn Long, ở đất Giang Nam có người học trò tên Nghiêm Sinh,
thân hình cao lớn, chỉ hiềm trên mặt các bộ vị xấu xí, lại rỗ chằng rỗ
chịt nên ai cũng khiếp.
Cùng thời có thầy tướng danh tiếng xem tướng cho Nghiêm Sinh, bảo rằng:
- Tướng cách Nghiêm Sinh mắt rồng, răng trâu, lưỡi đỏ, môi đỏ sau này sẽ đậu cao, tục nhãn không thể hiểu được.
Sự thật, mặt Nghiêm Sinh tuy xấu xí nhưng tài học lại vượt xa
người, làm thơ phú chỉ trong khoảng khắc. Do đó, mới 20 tuổi đã nổi
tiếng là Giang Nam tài tử.
Theo truyền thuyết năm ấy Nghiêm Sinh vào trọ trong đạo viện đọc
sách; một ngày đầu thu, trời nóng bức, nằm trằn trọc không ngủ, mới ngồi
dậy lững thững ra vườn dạo mát. Bỗng nghe có tiếng người nói chuyện,
bụng nghĩ nơi tịch mịch vắng vẻ như thế này mà lại đêm hôm khuya khoắt
ai còn ra đây làm gì? Sinh mới lắng tai nghe ông tượng đất nói: “Chiều
mai cótám vịtiên tới chào Lý Lão Quân, chúng ta cùng phải chực chờ đón
tiếp đấy”.
Ông tượng đất bên kia đáp: “Tôi biết bát tiên đến từ tạ đào Lý Lão
Quân để đi về phương Tây, năm ngoái tôi cũng được các vị ấy cho một trái
bàn đào”.
Nghiêm Sinh ho lênmột tiếng thì các pho tượng đất im luôn.
Trở lại phòng, lòng bâng khuâng nghĩ đến số phận con người, như
mình đây, văn chương tài học vào bậc khá nhưng chẳng hiểu có vận mạng
công danh hay không? Mình phải trai giới tắm gội sạch sẽ chờ các đại
tiên tới mà hỏi xem sao!
Đêm sau, Nghiêm Sinh nằm ẩn dưới gầm bàn thờ. Canh ba, bốn bề vắng
lặng vẫn im phăng phắc không thấy ai hết. Mệt quá, Sinh ngủ thiếp đi
chợt nghe tiếng huyên náo, nhìn ra các người đã ở ngoài đạo viện, Sinh
đếm đúngtám vị, người đi sau chót hình dáng như lão ăn xin vai vác bị,
tay cầm gậy sắt đi khập khà khập khiễng. Sinh nghĩ chính là Lý Thiết
Quài nên vội vã đuổi theo. Bẩy vị kia đã đi xa, Sinh quỳ xuống lạy xin
vị tiên chỉ bảo cho số phận mình tương lai thế nào?
Lý Thiết Quài lấy tay chỉ về phía trước mặt mà nói:
- Con hãy nhìn cảnh đẹp đằng kia mà xem.
Sinh theo ngón tay trỏ mà trông thì thấy cómột người vừa đậu trạng
nguyên, mặt mũi giống Sinh như lột, bên cạnh phòng trạng nguyên cómột
người đàn bà rất đẹp treo cổ tự ải.
Lý Thiết Quài trỏ về phía khác, Sinh trông thấy cung điện nguy nga,
các quan văn võ đông đủ. Hoàng đế ngồi trước long án, dưới chân có
người đang quỳ, mặt mũi giống Sinhnhư hệt, không rõ người có tấu khải
điều gì, hốt nhiên sóng bể tràn vào cuốn trôi mọi vật. Lúc sóng rútcó
khoảng đất nổi lên trơ trụi, một người đứng đấy mặt mũi giống Sinh như
đúc.
Lý Thiết Quài nói:
- Cuộc đời túc hạ là như thế đó.
Nói xong biến mất.
Từ khi Nghiêm Sinh gặp Lý Thiết Quài thì đầu óc thông tuệ khác
thường, văn như suối chảy. Vào kinh thi trúng tiến sĩ, vào đình thi đỗ
trạng nguyên.
Mẹ và vợ Nghiêm Sinh thấy chàng nay đã ngoàiba mươi tuổimà chưa có
con, nên muốn tìm cho chàng người thiếp. Vừa may, vùng Giang Nam cómột
nhà quan, trong phủ đầy con gái hầu. Bà mẹ liền ngỏ ý hỏi cô người hầu
đẹp nhất trong phủ. Cô ta bằng lòng. Vốn theo hầu tiểu thư từ thuở nhỏ
nên cô hầu ấy cũng thông hiểu thi thư kinh sử và rất ngưỡng mộ trạng
nguyên. Trong tâm tưởng của cô, trạng nguyên chắc phải là chàng trai
tuấn tú mặt đẹp như quan ngọc.
Đêm tân hôn, cô thấy một gã vạm vỡ, mặt mũi xấu xí, rỗ nhằng rỗ
nhịt, rượu say mèm chạy vào buồng cô dâu nôn ọe tung tóe mà hắn lại là
chồng mình. Cô hối hận, giận thân giận đời xé lụa tự treo cổ lên xà nhà.
Nghiêm Sinh tỉnh rượu, bàng hoàng không hiểu nguyên cớlàm sao? Đến
lúc người nhà chạy vào lục trong hộp tư trang thấy có mảnh giấy đềhai
câu thơ:
Quốc sắc thiên hương nan tác tế
Trạng nguyên tuy hảo khước phi lang.
Ý cô dâu nói dù mình là trang quốc sắc thiên hương nhưng cũng chẳng
phải dễ lấy chồng, dù là trạng nguyên thực đấy nhưng cũng chưa xứng
đáng làm chồng.
Nghiêm Sinh bấy giờ mới tỉnh ngộ, nhớ lại cái mộng gặp Lý Thiết Quài.
Làm quan trong triều Nghiêm Sinh thăng tới chức lễ bộ thượng thư.
Ít lâu sau mắc bệnh tê thấp, đang chủ lễ trước mặt vua Càn Long bỗng ngã
lăn ra đất. Nghiêm Sinh run sợ quỳ lạy hoàng đế xin tha tội bất kính.
Thấy Nghiêm Sinh bệnh hoạn, vua Càn Long cho từ chức về quê nhà. Bấy giờ
mẹ chết đã lâu, vợ cũng qua đời rồi nên Nghiêm Sinh sống cô đơn cho đến
ngày cuối cùng, bên gối chỉ có vài đứa cháu họ xa nâng giấc.