Một là uy tôn oai nghiêm cho người nể phục gọi bằng Uy tướng, chủ
về quyền thế như con chim ưng bắt con thỏ khiến cho trăm giống chim khác
phải run sợ.
Hai là hậu trọng to lớn, bề thế gọi bằng Hậu tướng, chủ về phúc
lộc, thân hình như con thuyền chở vạn đấu thóc, sóng to gió lớn không
làm lay chuyển tâm hồn từ tốn bao dung.
Ba là tinh thần thanh sảng, thông minh, sáng suốt gọi bằng Thanh
tướng như cây quế tốt giữa đám cây trong rừng, như viên ngọc sáng không
lấm bụi, chủ về học hành, tài cán hơn người.
Bốn là thân hình cô hàn, cổ dài, vai so, chân cong, đầu méo, ăn ngủ
nằm ngồi lệch lẹo, đi như muốn đổ xuống hoặc đầu lắc lư như cò bợ trời
mưa, gọi bằng Cô độc tướng chủ về nghèo khổ bần hàn, tứ cố vô thân.
Năm là thể mạo ẻo lả, mong manh, yếu đuối, hay sợ hãi, tinh thần
hôn ám, hỉ nộ ái ố lộ rõ ra nét mặt, như con thuyền lá giữa cơn phong
ba, gọi bằng Bạc tướng chủ về nghèo hèn.
Sáu là xương cốt tiêu tuấn, hình dung cổ quái, mắt sáng, tinh thần
cường kiện, gọi bằng Cổ tướng chủ về sang quý, nếu xương thô lộ, tinh
thần hôn ám là tục tướng.
Bảy là tướng mạo ngu bướng, hung ác, hình dáng như rắn, như chuột,
như sài lang, tính tình bạo cấp gọi bằng Ác tướng chủ về bôn ba hình
ngục.
Tám là hình mạo thô tục, tinh thần si ngốc, mặt mũi lấm lem như đồ
vật để trong tro than gọi bằng Tục tướng chủ về chuân chuyên, suốt đời
cơm không đủ no, áo không đủ ấm.
Cách đây hơn 40 năm, tỉnh Quảng Đông trộm cướp nổi lên như chấu,
nhất là vùng Chu Giang, Tam Giốc Châu. Những tên cướp khét tiếng lúc ấy
là La Kê Hồng, La Bố, Bộc Nho, Đàm Lục, Trương Định Cơ. Chúng nhiều bè
đảng hoành hoành giết chóc. Quan quân phải mất bao nhiêu công lao mới
giết hết.
Tướng cách bọn đó mục diện hung hãn, thô tục không bút nào tả xiết.
Báo chí Trung Quốc có đăng lời các thầy tướng đoán La Kê Hồng quyền
cao, mũi nhỏ, trán hẹp, hàm chắp loại sát nhân, bất đắc kỳ tử và Trương
Định Cơ mi thô (lông mày chổi xể), mắt lớn, mũi gầy gồ, thân thể mập
thô bỉ loại hung bạo vong mạng.
Thời kỳ kháng Nhật, những tên cướp nhẩy lên làm hán gian quyền thế
nhất phương tự phong làm hoàng đế, tiền của vàng bạc nhiều vô số, điển
hình là hai tên Thị Kiều hoàng đế Lý Lãng Kê ở Phiên Ngung và Phật Sơn
hoàng đế Trúc Thăng Bính ở Nam Hải.
Tại sao cũng một phường trộm cướp mà bọn La Kê Hồng, Trương Định Cơ
sống lẩn sống lút trong khi bọn Lý Lãng Kê và Trúc Thăng Bính lại tự
xưng hoàng đế thịnh cực một thời?
Tại thời thế và tại số mệnh.
Lãng Kê chỉ là cái tên hiệu, vì họ Lý vốn không tên, cha mẹ nghèo
hèn thất học, kiếmăn lấm lưỡicòn thì giờđâu màđặt tên, nên lấy họđể gọi.
Lý theo bọn du thủ du thực nay làm ma cô, mai gác sòng bạc, tập thói xấu thành người hút xáchđổ bác.
Đánh bạc thua hết tiền ăn tiền hút, Lý chìa tay vay tiền người
được. Bao giờ hắn cũng vay lưỡng nguyên (hai đồng) vì hắn nói ngọng nên
tiếng lưỡng nguyên thành ra lãng kê. Lần lần, dân bài bạc đặt cho hắn là
Lý Lãng Kê.
Một hôm, ở trong tiệm hút, Lãng Kê gặp ông thầy tướng rong khá giỏi
tên Ngưỡng Sơn đạo sĩ thường đến xem cho khách tại các trà thất, tiệm
hút. Thầy Ngưỡng Sơn thấy đa số trong tiệm tỏ vẻ khinh thị Lý Lãng Kê,
cần gì thì sai bảo Lý, làm xong cho một vài xu. Ông mới chú ý xem tướng
cho, không lấy tiền và bảo Lý Lãng Kê rằng:
- Tướng chú thuộc kim, thuỷ hình, lưỡng quyền và mũi có uy, đôi mắt
quang ánh nhưng vì thần tán nên hữu dũng vô mưu. Hai bàn tay chú mềm
mại, đỏ hồng như cánh hoa đào. Chỉ chừng vài bốn năm nữa vận tốt đến.
Quá khứ chẳng nói làm chi, tương lai thành tựu khá giả lắm. Chú phải vào
đất chết để tìm cái sống, cơ hội ở trong chỗ nguy hiểm ra.
Lý Lãng Kê bán tín bán nghi nói:
- Nếu quả vài bốn năm nữa tôi mà khá, tôi sẽ đến tìm thầy để báo đáp ơn nghĩa.
Vài năm sau, Lý Lãng Kê gia nhập một đảng ăn cướp. Nhờ gan dạ và
cũng có đôi chút nghĩa khí, lại quen thung quen thổ nên bọn cướp tôn hắn
lên chức vị đại ca.
Quân Nhật vào chiếm Quảng Đông, Uông Tinh Vệ thành lập chính phủ.
Lý Lãng Kê đembộ hạgia nhập quân đội của Uông Tinh Vệ đóng tại Thị Kiều.
Từ đấy Thị Kiều trở thành giang sơn của Lý Lãng Kê. Lại được Trần Bích
Quân, vợ Uông Tinh Vệ giao phó nhiệm vụ kinh tài, Kê như hổ mọc cánh,
muốn làm trời làm đất sao thì làm. Kê mở sòng bạc kiếm tiền và xây một
toà nhà lớn cho hắn, đặt tên là Quần Viên, đồ đạc trang hoàng chẳng kém
gì cung điện.
Đắc thời đắc thế, Lý Lãng Kê cho đi mời Ngưỡng Sơn đạo sĩ từ Hương
Cảng về Thị Kiều làm quân sư cho hắn. Ngưỡng Sơn đạo sĩ tới Thị Kiều
thấy Lãng Kê bây giờ mập mạp, mắt hung dữ giống hệt một con heo, tướng
thuộc “Trư hình” thế nào cũng gặp hoạ lớn, nên ở với Lý vài ngày rồi tìm
cớ thoái thác trở lại Hương Cảng.
Không bao lâu, Uông Tinh Vệ chết, kháng chiến thắng lợi, bao nhiêutài sảncủa Lý bị tịch thu, còn Lý thì bị xử tử.
Phật Sơn Hoàng đế Trúc Thăng Bính cùng một tướng cách như Lý Lãng
Kê nên chung số phận làm Hán gian thịnh cực nhất thời rồi chết thảm.
Tục tướng, ác tướng hung tử là bọn Lý, Trúc nhưng quý tướng có hung tử hay không?
Quý tướng mà phạm tướng hung tử lẽ đương nhiên sẽ chịu cái chết bất
toàn. Không phải chỉ ác tướng và tục tướng mới hung tử. Có điều là hai
tính chất của hai cái chết quý tiện khác hẳn nhau.
Như trường hợp đại tướng Tùng Tỉnh, tướng Đông Điều Anh Cơ của Nhật Bản.
Tùng Tỉnh qua Trung Quốc vào thời Hồ Hán Dân làm Thủ tướng Trung
Hoa Dân Quốc, chiến tranh Trung Nhật chưa bùng nổ. Nhật cử Tùng Tỉnh là
vì ông thân với Hồ Hán Dân, đồng thời Tỉnh có nhiều khả năng gián điệp.
Một lần, Tùng Tỉnh ở Hàng Châu ăn mặc giả làm thương nhân Trung
Quốc, ông nói tiếng Tàu hệt người Tàu, dáng người nhỏ nhắn, mặt mũi đặc
dân Trung Hoa, mang giấy thông hành tên Trương Thiện Tài nguyên quán
Phúc Kiến, nghề nghiệp buôn trà. Vào mùa mưa dầm, Tùng Tỉnh nán lại Hàng
Châu cả tháng trời. Những lần đi phố, ông chú ý đến tấm bảng đề mấy chữ
“Trầntri thiên, thiện quan khí sắc” mới rắp tâmtới xem để tìm hiểu nghề
tướng số của Trung Hoa quả có như sách vở vẫn ca tụng chăng?
- Trần tiên sinh, xin tiên sinh coi tướng cho tôi năm nay buôn trà liệu việc làm có trôi chảy đủ cơm nuôi cháu không?
Thầy tướng định thần coi hồi lâu rồi nói:
- Ngài nói ngài gốc gác Phúc Kiến đi buôn trà, tôi xem ra thì không
đúng, tôi e tướng ngài đã biến cách. Bởi vì tỉnh Phúc Kiến ở phương Nam
thật đấy và hình dáng của ngài thuộcngười Nam nhưng nhất định các cụ
thân sinh ra ngài phải ở phương Bắc. Nếu thực ngài là người Phúc Kiến
thì Nam nhân Nam tướng chẳng có gì là quý, tuy nhiên, theo tôi ngài là
người Bắc mà tướng người Nam. Bắc nhân Nam tướng thế mới thực là quý
tướng. Ngài cũng không tay nhà buôn, tất là công chức làm việc cho nhà
nước.
Tùng Tỉnh giật mình mà vẫn điềm nhiên nói:
- Tiên sinh nói đúng, tôi vốn là người ưa giang hồ ngao du ở phương
Bắc nên chẳng muốn thổ lộ tung tích của mình cho ai hay. Nay tiên sinh
đã nhận ra, tôi không dám giấu. Tiện đây xin hỏi tiên sinh tương lai của
tôi liệu thế nào, cát hay hung.
- Ồ tốt lắm, ngài Bắc nhân Nam tướng lại thêm tướng ngũ đoản ngũ tàng (tàng là ẩn giấu) nhất sinh phú quý.
- Tôi đã từng được nghe tướng ngũ đoản, còn tướng ngũ tàng thì chưa nghe nói bao giờ, xin tiên sinh chỉ dạy cho.
- Ngũ tàng là khí tàng, thanh tàng, ý tàng, sắc tàng và thần tàng.
Cả năm thứ đó không thứ nào lộ ra ngoài cả. Nếu như ngài ở ngành võ tất
phải xuất tướng nhập tướng không sai. Tôi xin có lời mừng.
- Tôi nghĩ tiên sinh quá khen chứ tôi làm gì mà xuất tướng nhập
tướng, chỉ mong ngày hai bữa cũng đủ sung sướng, dám đâu cao vọng phú
quý.
Thầy tướng Trần Thiên Tri cười mà rằng:
- Phú quý đâu có phải cứ cầu mong là nó tới cũng như nghèo hèn dù
có đuổi nó cũng không đi. Tôi chỉ muốn hỏi ngài đã từng học võ nghiệp
chưa hay hiện tại đã cầm quân rồi?
Trước đôi mắt quá tinh tường của thầy tướng, Tùng Tỉnh đành phải
nói mình sinh ra ở phương Bắc, lớn lên tại Thượng Hải, từng học trường
quân sự, còn nghề nghiệp hiện tại thì giang hồ ngao du và buôn trà sinh
sống.
Thầy tướng lắc đầu nói:
- Nhất định không phải ngài từ Thượng Hải tới đây mà từ Phương Nam
lên đây vì cung Dịch Mã động theo Nam hướng Bắc hành rồi sau đấy tiếp
tục đi lên hướng Bắc nữa chứ không trở về Thượng Hải đâu.
Tùng Tỉnh mặt lại đờ ra hết đường chối cãi, vội nói:
- Vâng vâng quả vậy, ba tháng trước tôi ở Thượng Hải đi Phúc Kiến rồi tôi qua đường thuỷ từ Phúc Kiến về đây.
Thầy tướng gật gù nói:
- Thôi đấy là chuyện quá khứ, bây giờ nói chuyện tương lai. Khí sắc
và tướng cách ngài không thể nào là lái buôn, ngài tất là người trong
giới quân sự hoặc chính trị. Các việc buôn trà của ngài lúc này, theo
tôi cũng chỉ để phục vụ cho chính trị hay quân sự chứ đâu phải để kiếm
sống. Nay dù cho là kiếm sống đi nữa thì ngài chớ nên bám vào cái nghiệp
ấy lâu, hãy trở về quân giới mới mong hiển đạt hơn.
Tùng Tỉnh thoạt đầu trời mưa nhàn rỗi đến xem chơi mà thôi, nào ngờ
gặp thầy tướng nhìn thấy cả lòng ruột mình nên luôn tiện hỏi cho thật
kỹ.
- Thưa tiên sinh, tôi thân hình thấp nhỏ vào vũ nghiệp có tốt
không? Hay nên theo văn chức? Văn hay võ tương lai thành tựu thế nào?
Nếu làm võ sẽ chết tại sa trường hay thọ chung chính tẩm?
Trần Tri Thiên tiên sinh đáp:
- Tôi xin trả lời ngài từng câu một. Trước hết, nghi biểu bên ngoài
trông hợp văn hơn võ nếu không quan sát tường tận, nhưngđôi mắtẩn chứa
quang sáng quắc, lưỡng quyền chạy dàiđến thiên sương, nhấtđịnhkhông phải
tướng văn. Tương lai đây, ngài sẽ chỉ huy ba quân lập đại công cho đất
nước, vào độ trung niên ngài sẽ gặp cơ hội xuất tướng. Mệnh của ngài
không chết nơi sa trường, có quyết đoán là không bị thương nữa. Được
tuổi thọ ít nhất ngoài 60 đến 70. Còn như có thọ chung chính tẩm hay
chết phi mệnh tôi sẽ ghi vào mảnh giấy, khi nào ngài làm tướng hãy đọc.
Trần tiên sinh đã ghi vào những gì chỉ có Tùng Tỉnh biết. Về sau,
Tùng Tỉnh bị kêu án phạm tội chiến tranh sau ngày Nhật Bản đầu hàng, xử
treo cổ, báo chí mới đọc mảnh giấy đó với mấy hàng chữ sau đây:
Người này tướng hoả mà thấp nhỏ, cực tinh anh, năm nay 24 tuổi, lúc
phát như sấm sét. Mắt có hung quang, lưỡng quyền phối hợp, nên ở quân
đội không nên ở văn chính. Tương lai đăng đàn bái tướng, lớn đến bậc đại
tướng. Chung thân vinh hoa phú quý. Nhưng chết phi mệnh bất đắc kỳ tử,
tuy nhiên, thân thể không bị chia lìa, không chảy máu, không thân bại
danh liệt. Đợi việc xảy đến chứng minh.
LUẬN VỀ HÌNH HỮU DƯ THẦN BẤT TÚC VÀ HÌNH BẤT TÚC THẦN HỮU DƯ
Những người bình thường thân
thể cao nặng bao nhiêu đã có tiêu chuẩn nhất định, người nọ khác người
kia xê xích đôi chút, nếu cách biệt quá thì hoặc là hình bất túc hoặc
hình hữu dư, bất túc thì quá gày gò nhỏ bé, hữu dư thì quá cao lớn phì
nộn.
Theo sách vở nếu hình bất túc tất nhiên phúc lộc mỏng như tờ giấy, thọ mệnh như kiếp hoa.
Nhưng trước khi hạ đoán, cần phải xem tinh thần cái người phạm
tướng hình bất túc ra sao đã. Nếu thần hữu dư thì không thể hạ đoán thế
được.
Tinh thần có thể trông thấy ở: Mắt sáng tinh khiết, mày tú lại dài,
mặt không hôn ám, cử chỉ hào hùng, làm việc cương nghị như mãnh thú
xuống núi, nói năng đĩnh đạc hiền hoà như gió xuân thổi trên ngọn cỏ.
Ngồi chắc tựa đá, nằm yên tựa con rùa ngủ, đứng không dựa dẫm. Không nói
lời thừa, không vội vàng vô ích, mừng giận không quan tâm.
Như vậy gọi là thần hữu dư. Phàm người thần hữu dư hung tai khó
tới, thiên lộc lâu dài. Hình bất túc thần hữu dư là tướng người nhỏ bé
gầy gò, nhưng tinh tướng khoẻ mạnh, không giống với tài cao thể doanh là
tướng người tài hoa nhưng thân thể yếu đuối.
Một thi sĩ đời Đường có câu: “Thân bất mãn thất xích nhi tâm hùng
vạn phu” (Thân hình thấp bé nhưng cái tâm anh hùng vượt chúng).
Ngược lại, có rất nhiều người to lớn vạm vỡ, trông tưởng rằng hảo
hán nhưng kỳ thực chỉ là cái túi rượu, túi cơm thô lỗ, đần độn vì hình
hữu dư mà thần bất túc.
Hình hữu dư thần bất túc tức là tướng đi hầu, thừa sai canh gác hoặc vệ sĩ.
Thần là điện lực, thân hình là bóng đèn. Bóng đèn lớn mà điện lực
yếu, ánh sáng chỉ lờ mờ. Phương ngôn Tây có câu: “Quả dưa lớn quá bên
trong rỗng ruột” thực hợp với tướng cách hình hữu dư.
Con người thần bất túc hiện lên bằng: Tinh thần hoảng hốt, động tác
lung tung, ngôn ngữ bối rối, tình thái ngượng ngập. Chẳng có gì lo âu
mà luôn luôn chau mày mặt như khóc mếu, không uống rượu mà mặt say sưa,
hỉ nộ bất thường, ngủ hay mê sảng.
Thần bất túc dễ gặp tai ách, oan ngục tên bay đạn lạc, xe cộ v.v...
Xin chớ nhầm thần bất túc với tướng ngũ cấp và ngũ mạn mà Nhất Quả Pháp
Sư đã tìm ra. Ngũ cấp là năm cái vội: Thần khí nhanh, ngôn ngữ nhanh,
ăn uống nhanh, mừng giận nhanh, đi nhanh. Ngũ mạn là năm cái rất chậm,
nói tóm lại, làm việc tính toán, hỉ nộ ai lạc, ăn ngủ nằm ngồi nhất nhất
đều chậm.
Tướng ngũ cấp trẻ thành công, già suy vi.
Tướng ngũ mạn rất thọ.
THƯỢNG TRƯỜNG HẠ ĐOẢN - THƯỢNG ĐOẢN HẠ TRƯỜNG
Ngay từ tấm bé vác sách đi học, bài cách trí sơ đẳng đã dạy thân thể người chia làm ba phần: Đầu, mình và chân tay.
Tướng pháp thì chia thân hình làm hai đoạn thôi: Đoạn thượng gồm có đầu và tay, đoạn hạ là hai chân.
Đoạn thượng nên dài hơn đoạn hạ, nếu chân sếu vườn dài hơn đầu thân
cộng lại, tất phiêu bạt lênh đênh, cả đời không có cơ nghiệp.
Sách “Bạch Viên Kinh” có câu:
Thượng trường hạ đoản hề công hầu tướng
Đương nhật Tôn Quyền bá nhất phương
Nghĩa là: Trên dài dưới ngắn tướng công hầu, đời Tam Quốc Tôn Quyền có tướng đó hùng cứ một phương.
Thượng trường hạ đoản chủ phú quý, trái lại thượng đoản hạ trường
là khốn khó, điều này đã thành một định luật ghi trong tướng pháp.
Lấy lý nào mà nói như vậy?
Tướng pháp cho rằng đầu mang bộ não, thân mang lục phủ ngũ tạng
toàn những bộ vị trọng yếu, nếu không thoải mái rộng rãi đương nhiên
những bộ vị trọng yếu sẽ bị gò ép bế tắc, gây trở ngại thần khí cho con
người.
Lại có câu: “Đoản nhưng không giống con heo ngồi, trường nhưng không giống cái mác dựng đứng”.
Nguyên tắc cơ bản của tướng pháp là nguyên tắc của kiến trúc và mỹ
học, nên nói thượng hạ đoản trường không phải quá lố vượt ra ngoài
nguyên tắc căn bản. Thử hỏi nhân thân con người cao thước bảy mà thân
đầu hết thước rưỡi, còn cho chân có hai chục phân thì nó thành hình thù
gì?
Xem tranh Tàu, ta thường thấy vẽ hình người mình dài chân ngắn là
do ảnh hưởng của tướng pháp mà ra chứ không phải các hoạ gia Trung Quốc
thiếu cái học về giải phẫu nhân thân (anatomie).
ÂM DƯƠNG THIÊN ĐỊA
Tướng pháp có Âm Dương Thiên Địa. Âm là đàn bà, Dương là đàn ông. Đầu là trời, chân là Đất. Cốt dương, nhục âm, v.. v..
Trán gọi bằng Thiên đình cho nên trán phải cao xa. Chân là đất
rộng, đất dày nên chân phải to lớn. Mắt tượng trưng cho mặt trăng mặt
trời. Thanh âm tượng trưng cho sấm sét. Huyết mạch tượng trưng cho sông
ngòi. Cốt tiết là vàng đá. Mũi lưỡng quyền là núi non. Râu tóc là cây
cỏ.
Nhật nguyệt phải rực rỡ, sấm sét phải ầm ầm, sông ngòi phải sạch
thông, vàng đá phải rắn chắc. Núi non phải cao lớn, cây cỏ phải tươi
tốt.
Đầu đội trời, chân đạp đất. Đầu ở vị trí cao nhất trên thân thể.
Đầu còn người mới còn, mất đầu người chết.
Tư Mã Ý bị Khổng Minh vây ở Tí Ngọ Cốc, sau khi chạy thoát đã hỏi tả hữu rằng: “Đầu ta còn không”?
Cổ Tướng Kinh có câu:
“Đầu vi nhất thân chi tôn, chư dương chi thủ”, nghĩa là đầu ngôi chí tôn của thân thể cầm đầu toàn bộ dương khí.
Nghiên cứu tướng học phải xem đầu trước. Đầu nhỏ như quả muỗm suôn
đuột không có góc cạnh thì diện mạo có tốt cũng chỉ là hạng trung bình.
Chân tuy không trọng yếu bằng đầu nhưng sự quan hệ của chân với mệnh số
cũng chẳng kém. Đầu lớn chân vững vàng to khoẻ phú quý. Đầu nhỏ chân teo
bần tiện. Có điều hiển nhiên hàng ngày rất ít người chú ý: Các bác phu
xích lô xe đạp, chân thường quắt lại chứ không lớn và gân guốc chằng
chịt cho nên vất vả mà chân không đầy đặn lớn. Trong câu chuyện ta vẫn
nói “xuất đầu lộ diện” để chỉ một người nào đó đang có cơ hội thành
công.
Danh sư Hứa Phụ dạy rằng:
Ngưu đầu tứ phương, phú quý cát xương
Hổ đầu yến hàm uy danh viễn dương
Ngưu đầu và hổ đầu là những cái đầu vững chãi, to lớn, có góc cạnh, xương cốt tiêu tuấn.
Về phần chân cần ngay ngắn, mềm mại, mập dày, mu bàn chân ụ lên, kỵ thô cứng, quắt mỏng, gân mạch chằng chịt như giun bò.
Mắt là đôi vầng nhật nguyệt.
Xem tướng mắt, trước coi hình sau xem thần. Con mắt đẹp tướng hình
thế tú trường, vành mắt sáng nhuận, đuôi mắt hơi chếch lên, không mắt to
mắt nhỏ, bốn bên không chỗ nào khuyết hãm, lòng đen lòng trắng phân
minh, không có tia máu đỏ, nhãn thần bất lộ, ánh mắt nhìn ngay thẳng
không hung hãn mà oai nghiêm, nhãn lực tinh tường.
Qua đòi hỏi trên, dĩ nhiên là mắt cận thị là xấu. Người cận thị có
thể là những người bác học nhưng không thể là những lãnh tụ chính trị.
Già đeo kính lão không kể. Lịch sử xưa nay hầu như chưa có vị lãnh đạo
tài giỏi nào mà cận thị.
Nhãn quang bất chính, hai mi mắt nhỏ phải chớp luôn luôn, người này hay đố kỵ ganh ghét.
Nhãn quang ưa nhìn lên cao, loại kiêu ngạo, cẩu nhãn khán nhân đê, mắt chó coi người thấp, biểu lộ ác tâm.
Mắt đỏ, chớp mắt nặng nề là ngu si.
Hai mắt nhãn quang rực rỡ, tràn đầy như nước chảy, phút chốc lại
thấy đục mờ đi như nửa ngủ nửa thức, bất luận nam nữ đều cực tham dâm.
Nhãn quang sắc nhọn loè như chớp mà cố ý nhìn lên cốt làm cho có vẻ mờ rất gian hùng.
Nhãn quang u tĩnh, nhìn người nhìn vật lâu không chớp mắt thì cá tính kiên cường có suy nghĩ tư tưởng.
Hai mắt lồi ra, bốn phía lòng trắng mắt (mắt trắng dã) nhìn ai chú thị si ngốc là người ác độc, sát nhân rồi bị nhân sát.
Sắc con người tạp loạn, nhãn quang nông nổi: Người vô tư tưởng.
Nhãn thần ẩn không lộ cực thông minh, thông minh để mà thông minh thôi vì thiếu hành động nên hiển đạt chẳng được bao nhiêu.
Những người mục quang sạ nhân mới ưa hành động.
Nhãn quang láo liên lưu hoạt động đông trương tây vọng, hay nhìn trộm là mắt của phường trộm cắp.
Nhãn quang vẩn đục vô thần hôn ám chết lúc nào không biết.
Huyết mạch lưu thông trong thân thể đêm ngày đến vô cùng nên trong
tướng học ví huyết mạch như sông ngòi (Xin đừng lẫn với tứ độc).
Huyết mạch nằm lẫn trong cơ thể làm sao coi tướng?
Đành rằng huyết mạch tàng ẩn trong cơ thể, tuy nhiên, vẫn có bộ
phận hiện ra ngoài như huyết sắc và đường gân. Trên nguyên tắc tướng
pháp, huyết mạch nên lẩn không nên lộ.
Sách “Cổ Tướng Kinh” có câu:
Gân tán loằn quằn như giun bò
Người bần tiện hung ác lao đao vất vả
Sách “Ma Y” viết:
Bần cùng đáo lão bất nhàn
Thổ kỳ cân lặc
Gân máu thô lộ cho nên nghèo khổ đến già.
Phương ngôn ta nói: “Khô chân gân mặt đắt mấy cũng mua”.
Khô chân không bị tê thấp. Gân mặt chịu khổ chịu cực dai dẻo.
Đắt mấy cũng mua, dùng loại người ấy làm việc cho mình thật đáng đồng tiền.
Do bệnh tật, tình tự mà huyết sắc khích biến, có thể biết mệnh số thọ yểu và khả năng con người.
Điền Quang bảo Thái Tử Đan rằng: “Tân khách nhà Thái Tử toàn một lũ
vô dụng. Hạ Phù là người huyết dũng nên lúc giận mặt đỏ. Tống Ý là
người mạnh dũng nên lúc giận mặt xanh. Vũ Đường là người cốt dũng nên
lúc giận mặt trắng toát. Chỉ có Kinh Kha mà tôi biết mới xứng đáng là
thần dũng, giận sắc mặt không hề đổi”.
Trên thân thể người, tượng trưng cho cây cỏ, cần tốt tươi là:
Tóc, râu ria, lông mày, âm mao, lông mũi, lông ngực, lông chân, lông bụng.
Tóc trên đầu có tác dụng bảo hộ não thần, vừa có tác dụng làm đẹp cho con người.
Đầu tóc bù xù thường biểu hiện sự sa đoạ:
Tóc nhỏ như tơ óng mượt, đen không hôi hám nhất định thông minh bác nhã, con dòng cháu dõi dễ thành công về văn học chính trị.
Tóc cứng đen bóng bẩy, thân thể to lớn thì phong phú tinh lực gan
dạ nhưng ương ngạnh tham dâm hiếu sắc, dễ thành công về quân sự.
Tóc trước kia vẫn óng mượt nay khô vàng lá bệnh hoạn do thần kinh suy nhược, khó sống lâu.
Tóc thô cứng đỏ, người hung ác ngu độn, trộm cắp, bần hàn.
Tóc màu xám tro, không óng mượt thì trí tuệ thấp, ký ức lực yếu, lao đao vất vả.
Tóc quăn cổ nhân thường bảo là dâm loạn, nhưng kinh nghiệm cho thấy người tóc quăn đa số dũng cảm, ưa hoạt động.
Tóc rít lại chẻ thuộc dạng bất trung bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa.
Tóc quá rậm khắc thê, tóc quá ít, thiếu sinh lực.
Sau gáy tóc rụng lỗ chỗ, đàn ông đề phòng bệnh hoa liễu, đàn bà lo sản ách.
Tóc mọc trên trán, thiếu niên cô khổ.
Hứa Phụ có nói:
Hữu nùng phát chi kiện nhi
Vô nùng phát chi tể tướng
Thiểu tiểu đầu chi quý khách
Đa đại trang chi đạt quan
Nghĩa là: Chỉ có thanh niên khỏe mạnh tóc rậm chứ không có tể tướng
tóc rậm. Rất ít thấy khách quý mà đầu nhỏ, đa số quan to phải đầu lớn.
Đàn ông không râu bất nghì. Đã gọi là tu mi nam tử thì phải có mày
râu đẹp. Râu với mày cần tương xứng. Mày rậm râu thưa, hỏng. Râu rậm mày
thưa cũng hỏng.
Mi chủ tảo thành. Tu chủ vãn vận. Mày đẹp thành đạt sớm. Râu tốt về già nhàn hạ.
Râu không cứ nhiều ít, tương xứng với lông mày là được. Mày rậm phải râu rậm, mày thưa phải râu thưa.
Râu tốt có đủ bốn điều kiện: Thanh, xơ, xoắn, dài ngắn không đều.
Thanh là trông nhã không vẩn đục.
Xơ là không phồn tạp xồm xoàm.
Xoăn là không thẳng đuột, dựng đứng.
Dài ngắn không đều chứ như cái màn chải thì hỏng.
Cộng thêm với bốn điều kiện khác:
Nhuận - Mạnh - Tròn trịa - Ứng phối với mi.
Nhuận là không khô sáp. Mạnh là không ẻo lả. Viên là óng mượt.
Sách “Băng Giám” nói:
- Xoăn trôn ốc thông minh khoát đạt, dài tơ kéo phong lưu vinh
hiển, cứng như giáo mác vị cao quyền trọng, sáng ánh như sợi bạc sớm
thành đạt. Râu tía, mày lưỡi kiếm, tiếng nói vang vang, thần cốt thanh
kỳ thiên lý phong hầu hay mười năm bái tướng.
Tướng râu có mười đại kỵ:
- Kỵ râu mọc dài không đúng chỗ (tỉ dụ ở cổ, ở má).
- Kỵ không có râu ở nhân trung kém uy nghiêm, tiền tài tụ tán bất thường, hữu lao vô công.
- Kỵ lông mũi thò ra tiếp với ria vận khó hanh thông.
- Kỵ ria phủ xuống miệng như bức mành mành, bất đắc chí, khó kiếm tiền.
- Kỵ râu nhiều ria ít, bôn ba lao khổ.
- Kỵ râu rậm khoá yết hầu, thô tục đói khổ.
- Kỵ rẽ ra như đuôi chim, hay gặp tai hoạ.
- Kỵ mọc ngược, hung ác.
- Kỵ vàng khè khô khan, đa bệnh đa tật.
- Kỵ đỏ như bị cháy (râu tôm kho), cô độc
Tu mi nam tử, vậy không râu là đồ bỏ hay sao?
Khoa tướng mệnh không hề nói thế, râu chủ hậu vận, không râu hậu
vận kém. Thiếu gì người không râu cao quyền chức trọng trong lịch sử như
Quách Tử Nghi đời nhà Đường, Hoắc Khứ Bệnh đời nhà Hán, Uông Tinh Vệ
đời Dân quốc. Nhưng sự nghiệp tuy lớn mà vãn vận đều không ra gì bởi tại
không râu mà nên.
Quý tiện định ư cốt pháp.
Xương cốt là đầu mối cho cuộc đời sang hèn.
Xương, đầu xương, khớp xương là chủ cho da thịt dựa vào mà thành
hình. Cốt tiết cũng là cái lồng chứa lục phủ ngũ tạng, nên tướng pháp ví
xương cốt như vàng đá trên trái đất, cần vững chãi sáng đẹp.
Chủ của bộ xương là xương đầu, gồm chín xương căn bản gọi là cửu cốt:
1) Thiên đình cốt là xương trán.
2) Ngọc trẩm cốt là xương sau gáy (Toàn bộ 18 cái).
3) Đính cốt là xương sọ.
4) Tả quán cốt là dìa xương hàm chạy lên tai.
5) Thái dương cốt là xương thái dương.
6) Mi cốt là xương dưới lông mày.
7) Tị cốt là xương sống mũi.
8) Quyền cốt là xương gò má.
9) Hạng cốt là xương cổ, chạy liền với xương sống lưng.
Tại sao cửu cốt không tính đến xương cằm và xương hàm?
Lục Viên Chủ giảng:
- Xương cằm và xương hàm tuy ở trên đầu nhưng thuộc hạ đình ăn hậu
vận nên không tính vào cửu cốt. Hai xương ấy dù đẹp thế nào đi chăng nữa
nếu không được thượng đình trung đình cửu cốt hỗ trợ thì cũng vứt đi.
Thiên đình để xem di truyền tính, gia cơ tổ nghiệp dòng dõi ra sao?
Ngọc trẩm cốt để xem khí cục, người có đầu óc khả năng hay không?
Đính cốt để xem trí tuệ, kiến thức và phẩm đức.
Quyền cốt để xem chí khí.
Tả quán cốt để xem duyên nghiệp.
Thái dương cốt để xem tài hoa.
Tị cốt để xem dục vọng, sự nghiệp và quan niệm tiền tài.
Mi cốt để xem nghị lực.
Hạng cốt để xem sức khoẻ.